U19 Việt Nam mạnh hay yếu?

Chưa thoát khỏi tầm khu vực

Chưa cần bàn đến thất bại thảm hại 0-9 trước U19 Tottenham, trận thua 0-7 trước U19 Nhật Bản ở cúp Nutifood bản thân nó cũng đã phản ánh trình độ của U19 Việt Nam. Cả làng cầu thế giới xem Nhật Bản là thước đo của bóng đá châu Á. Thế nên, khi thất bại trước đội bóng cùng trang lứa đến từ Nhật, có nghĩa là đội bóng của chúng ta vẫn chưa vươn lên tầm ấy.

Chưa lên được trình độ châu Á, sẽ có người thắc mắc tiếp là vậy thì chúng ta thực sự đang ở đâu? Cái này thì phải tiếp tục nhìn vào thất bại của đoàn quân trong tay HLV Graechen Guillaume trước U19 Indonesia ở giải Đông Nam Á năm rồi.

Chỉ tiếc là sau thất bại vừa nêu, những người nắm đội bóng này và cả những quan chức cấp cao đang điều hành bóng đá Việt Nam đẩy hết trách nhiệm về thất bại sang… trọng tài, thay vì nghiêm túc đặt vấn đề rằng tại sao ta chưa thắng được họ?

Cầu thủ U19 Việt Nam có kỹ thuật tốt không có nghĩa đấy là đội bóng mạnh, ảnh: Kim Điền
Cầu thủ U19 Việt Nam có kỹ thuật tốt không có nghĩa đấy là đội bóng mạnh, ảnh: Kim Điền

Người viết cho rằng đúng là trọng tài ở trận đấu ấy chưa tốt, nhưng nói trọng tài khiến chúng ta thua thì chưa hẳn. Bởi, nếu trọng tài muốn dồn U19 Việt Nam vào chỗ phải thua thì quá đơn giản, chỉ việc kiếm một quả phạt đền cho U19 Indonesia trong vô vàn pha va chạm trong khu vực 16m50 của U19 Việt Nam, chứ không nhất thiết phải kéo trận đấu đến tận loạt sút luân lưu.

Sự thiếu thẳng thắn của người lớn vô tình gieo sự ảo tưởng vào chính các cầu thủ U19 Việt Nam, và điều quan trọng nữa là khiến chúng ta không đánh giá đúng thực lực của bóng đá trẻ Indonesia, vốn đang rất lên chân, và khiến cho chúng ta cũng chẳng đánh giá đúng chính mình.

Thực tế là ở giải Đông Nam Á năm rồi, ngoài trận thua đội bóng xứ vạn đảo, nhiều trận đấu khác mà U19 Việt Nam đá trầy trật, chứ không phải “tầm Đông Nam Á ưng luộc là luộc phát một” như cách nói của một vài vị.


Giỏi về kỹ thuật nhưng… thiếu nhiều thứ khác

Kỹ thuật của một nhóm cầu thủ U19 Việt Nam, nhất là nhóm xuất thân từ học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG đúng là rất tốt. Nhưng sở hữu một nhóm cầu thủ có kỹ thuật tốt không có nghĩa là chúng ta sẽ sở hữu một đội bóng mạnh.

Có lẽ đến lúc phải đặt vấn đề là ngoài kỹ thuật, U19 Việt Nam còn có gì? Nếu xem đấy là một đội bóng chuẩn bị phát triển lên đỉnh cao thì đội bóng ấy đang thiếu dạng cầu thủ có thể đá trung phong, thiếu dạng tiền vệ có khả năng đánh chặn, và thiếu dạng hậu vệ biết cách… chuồi bóng.

Thiếu quá nhiều và toàn cái thiếu cơ bản. Ngoại trừ Barcelona có siêu sao Messi đá tiền đạo “ảo” quá… siêu và ngoại trừ đội tuyển Tây Ban Nha vốn toàn bậc thầy về kỹ thuật ở hàng tiền vệ, không có đội bóng nào trên thế giới ra sân mà không cần trung phong, kể cả với Bayern Munich vốn hiện không có đối thủ trên toàn thế giới, hay Brazil hiện đang là ứng cử viên số 1 cho ngôi VĐTG.

Cũng không có đội bóng nào trên khắp thế giới có thể đá đỉnh cao mà không cần đến tiền vệ phòng ngự, còn hậu vệ không biết thế nào là… ngăn cản đối phương tấn công. Một đội bóng vốn thiếu quá nhiều yếu tố cơ bản như thế, cộng thêm việc không thực tế về mặt chiến thuật thì thua dễ các đội… biết đá bóng là điều khó tránh khỏi.

Còn tại sao U19 Việt Nam hiện nay thiếu quá nhiều yếu tố để vươn lên đỉnh cao như vừa nêu ở trên thì phải xem lại tính chất của đội bóng ấy.

U19 Việt Nam có phải là đại diện của một thế hệ cầu thủ, trong cùng một lứa tuổi của cả một nền bóng đá hay không có lẽ nhiều người đã có câu trả lời.

Một đội bóng mang tên của một quốc gia thay vì được chọn lọc từ nhiều nguồn, lại đang sử dụng hầu hết là nhóm cầu thủ xuất thân từ một học viện, với mục đích xuyên suốt của học viện ấy là chỉ đào tạo cầu thủ tấn công. Thành ra mới có chuyện đội mất cân bằng như đã nêu.

Tiếc rằng nhiều vị có trách nhiệm với nền bóng đá không nhận ra điều đó (hay cố tình làm lơ chi tiết này), đang cố xây lâu đài trên cát.

Theo Trọng Vũ (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm