Về mặt nguyên tắc, U-23 Việt Nam vẫn phải nỗ lực hơn 200% sức lực của mình để làm nhiệm vụ, tức phải đánh bại Triều Tiên khi mà cơ hội vẫn còn dù không còn quyền tự quyết. Đó cũng là phương châm của HLV Park Hang-seo, chứ không có chuyện thấy cửa hẹp và không còn tự quyết được mà nản.
“Diễn” 0-0 thì dễ nhưng diễn hòa có bàn thắng không đơn giản và câu hỏi đặt ra là một khi hai đội “diễn” như thế, tức là đã chơi thứ bóng đá không tích cực thì phải làm sao? Giả dụ UAE dẫn trước Jordan 1-0 thì họ “diễn” làm sao không lộ liễu để tạo cơ hội cho đối phương san bằng?
FIFA, Ban kỷ luật FIFA vẫn chưa có “liều thuốc đặc trị” trong trường hợp này. Họ có thể chỉ đưa ra thông điệp kêu gọi hai đội chơi tích cực, nêu cao tinh thần fair play mà thôi. Nhưng một khi nó diễn ra theo ý đồ của hai đội với lý do cần bảo toàn lực lượng thì FIFA cũng bó tay.
Nói FIFA bó tay vì từng có sự kiện còn khó diễn hơn nhưng “kịch bản” vẫn đúng và soi tới soi lui rồi thì cả UEFA lẫn FIFA đều bất lực. Đó là vòng chung kết Euro 2004 với cảnh đội tuyển Ý bị loại đau khi hai đội bóng Bắc Âu là Đan Mạch và Thụy Điển hòa nhau 2-2, vừa bằng tỉ số tối thiểu để loại Ý. Điều mà trước đó báo chí thế giới, các nhà chuyên môn đề cập ra rả, thậm chí là HLV hai đội Bắc Âu cũng tuyên bố chơi bóng đá sạch nhưng cuối cùng thì tỉ số có lợi cho cả hai được xem là đúng kịch bản với kết quả 2-2.
Lúc đó ở bảng C gồm Ý, Đan Mạch, Thụy Điển và Bulgaria. Trước lượt trận vòng bảng cuối cùng, Đan Mạch và Thụy Điển cùng có 4 điểm. Ý có 2 điểm sau hai trận hòa, còn Bulgaria đã bị loại. Nếu lượt trận cuối Ý thắng Bulgaria, còn Đan Mạch và Thụy Điển hòa nhau thì ba đội cùng có 5 điểm, hiệu số bàn thắng bại sẽ quyết định hai suất đi tiếp. Lúc đó Đan Mạch và Thụy Điển cần hòa nhau 2-2 thì đi tiếp bất chấp Ý có thắng bao nhiêu trước Bulgaria cũng bị loại. Và kết quả đúng y như thế. Kịch bản đó xảy ra khi Đan Mạch dẫn Thụy Điển 2-1 cho đến phút 89 thì Mattias Jonson có bàn san bằng cho Thụy Điển. Lúc đó cổ động viên Thụy Điển giăng băng rôn “2 - 2 = Nordic Victory” (chiến thắng của người Bắc Âu).
Và tất cả chỉ dừng lại ở nghi án về thứ bóng đá không tích cực mà thôi, chẳng có lý do gì và chứng cứ gì để xử hai đội Đan Mạch và Thụy Điển với “tội danh” gọi là “tiêu cực” hay “dàn xếp tỉ số”.
Và tối 16-1 tới đây cũng bị nghi là sẽ ở phiên bản tương tự nhưng trên giả thiết thì hai đội bóng Tây Á chỉ cần hòa 1-1 là đủ để loại á quân Việt Nam.
Dù có thể là sẽ bị loại đau nếu hai đội Tây Á thực hiện “phiên bản Bắc Âu 2004” nhưng điều tiên quyết là thầy trò HLV Park Hang-seo cứ hãy hoàn thành trách nhiệm của mình, tức đánh bại Triều Tiên mà đừng bị ảnh hưởng chuyện ở Buriram có tiêu cực hay không.
Biết đâu UAE và Jordan nêu cao tinh thần fair play và họ thi đấu hết mình, dù theo giới bóng đá thì điều đó cực khó.