Uber muốn kinh doanh phải làm đúng luật

Chiều 13-2, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, khẳng định Bộ GTVT không có ý định cấm Uber hoạt động ở Việt Nam (VN). Tuy nhiên, Bộ GTVT yêu cầu Uber phải bổ sung các quy định phù hợp với luật pháp VN.

Cần bổ sung ngành kinh doanh

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Trường, từ trước tới nay quan điểm của Uber là không tham gia hoạt động vận tải mà chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm cho hoạt động vận tải. “Nhưng bất cứ doanh nghiệp nào muốn hoạt động buộc phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh. Hiện Uber mới đăng ký hoạt động tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận chứ chưa đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ xe vận tải hợp đồng nên cần bổ sung” - ông Trường giải thích.

Theo ông Trường, trong đề án xin thí điểm, Công ty Uber BV (công ty mẹ ở Hà Lan) ủy quyền cho Công ty TNHH Uber VN tham gia đề án thí điểm là chưa phù hợp, không đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của Công ty Uber BV. “Vì vậy chúng tôi yêu cầu Uber ở Hà Lan phải là đơn vị trực tiếp đăng ký tham gia… Nếu Uber không bổ sung hoàn thiện các thủ tục như đã đề cập trong văn bản vừa qua thì Bộ GTVT sẽ có chế tài…” - ông Trưởng khẳng định.

Trước đó, Bộ GTVT đã bác đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty TNHH Uber VN.

Bộ GTVT khẳng định việc ủy quyền của Công ty Uber BV cho Uber VN tham gia đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ trong Quyết định số 24 của Bộ GTVT (về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng) là chưa phù hợp.

Cụ thể, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Uber VN chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.

Công ty TNHH Uber VN cần thực hiện đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng lĩnh vực hoạt động. Đồng thời phải là bên trực tiếp xây dựng, ký kết và chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận hợp tác kinh doanh với đơn vị kinh doanh vận tải.

Việc khống chế nhưng thiếu biện pháp quản lý dễ dẫn đến tình trạng các xe chuyển sang kinh doanh trái phép. Trong ảnh: Thanh tra giao thông kiểm tra một xe Uber không đủ điều kiện kinh doanh. Ảnh: MP

Phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Bộ GTVT cũng chỉ ra rằng đề án thí điểm chưa làm rõ quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành khách. Đề án chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách.

Bên cạnh đó, việc Công ty Uber BV ủy quyền cho Công ty TNHH Uber VN thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh, tại VN sẽ không ràng buộc, xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho rằng ứng dụng Uber có tính năng hoạt động tương tự “ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử”, vì vậy cần được thực hiện các thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương.

Trong thời gian qua, Sở GTVT TP.HCM và Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra và xử lý nhiều xe hợp đồng, ô tô cá nhân (không có giấy phép kinh doanh vận tải và chưa được cấp phù hiệu) sử dụng phần mềm của Uber để kinh doanh vận tải hành khách (chở khách có thu tiền) không đúng quy định.

Vì vậy Bộ GTVT cũng yêu cầu Công ty TNHH Uber VN và Công ty Uber BV phải nghiêm túc chấp hành các quy định hiện hành khi tham gia kinh doanh tại VN.

Xác định số lượng, định hướng phát triển

Các phương tiện Grab, Uber sử dụng ứng dụng công nghệ để kinh doanh chở khách tạo ra nhiều tiện lợi cho người dân nên cần được khuyến khích.

Tuy nhiên, hoạt động này có những tương đồng với loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi. Trong khi đó, TP.HCM khống chế số lượng taxi (theo định hướng khoảng một xe/1.000 dân) nhằm chống kẹt xe mà cho xe Uber, Grab tự do phát triển là không phù hợp.

Theo tôi, việc TP.HCM đặt ra chủ trương khống chế số lượng các xe Grab, Uber là hợp lý. Cụ thể, TP.HCM cần sớm có nghiên cứu, xác định số lượng và công bố cho người dân được biết và thực hiện. Việc khống chế còn là sự công bằng với vận tải truyền thống.

Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội
Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM

“Hãm phanh” là cần thiết

Giữa taxi truyền thống (11.060 chiếc) và các xe dưới chín chỗ được cấp phù hiệu xe hợp đồng (Grab, Uber - hoạt động như taxi…, khoảng 17.000 chiếc) cho thấy có sự bất ổn.

Theo tôi, TP.HCM cần rà soát lại và nếu xác định có sự bùng nổ, gây ra các hệ lụy về giao thông thì phải hãm phanh lại.

Thực tế hoạt động này mang lại nhiều tiện ích cho người dân song cũng phải xem xét đến các hệ lụy gây ra, trong đó có tình trạng ùn tắc giao thông thì phải khống chế số lượng.

Cạnh đó, khi khống chế thì phải có các giải pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn, xử lý các xe cá nhân, gia đình sử dụng kinh doanh trái phép, trốn thuế.

Ông NGUYỄN VĂN THANH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

MINH PHONG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới