Ngày 8-9, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận, Công ty Luật Dardene & Boyd, Inc., đại diện cho Công ty South Fork (Mỹ), có thư từ chối cuộc gặp mặt với UBND tỉnh Bình Thuận trong các ngày từ 5 đến 15-9. Đây là cuộc gặp mặt liên quan đến việc South Fork khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận ra Trọng tài Quốc tế yêu cầu bồi thường 3,75 tỉ USD vì South Fork cho rằng tỉnh đã cấp phép khai thác titan ngay trong dự án du lịch của họ.
Hòa giải bất thành
Cuối năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép cho Công ty TNHH South Fork được đầu tư vào khu du lịch tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) với diện tích 600 ha. Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định giao hơn 3,3 triệu m2 đất giai đoạn 1 cho dự án này.Khi giao đất, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu ràng buộc: Sau ba tháng South Fork phải hoàn thành việc góp vốn pháp định; sau năm tháng kể từ ngày ký quyết định giao đất mà công ty chưa triển khai thực hiện dự án tỉnh sẽ thu hồi quyết định giao đất đợt 1 (dù có hoàn thành việc góp vốn). Tuy nhiên, đến tháng 5-2010, tỉnh kiểm tra, thấy South Fork vẫn chưa triển khai đầu tư.
Trước đó, vào tháng 10-2007, UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép cho Công ty Đường Lâm khai thác titan trên diện tích hơn 120 ha đất trong diện tích 600 ha nói trên. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc cho phép Đường Lâm khai thác titan là dựa vào ba biên bản thỏa thuận giữa Đường Lâm với South Fork.
Lấy lý do tỉnh đã giao đất nhưng lại cho công ty khác khai thác titan nên tháng 9-2010, South Fork ra thông báo dừng mọi hoạt động để chuẩn bị thủ tục khởi kiện UBND tỉnh ra Trọng tài Quốc tế.
Tiếp đến, Công ty Luật Dardene & Boyd đã có các cuộc gặp gỡ với những người liên quan tại Văn phòng Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) để hòa giải nhưng bất thành. Sau đó họ đã gửi thư mời đại diện phía Việt Nam qua Mỹ để gặp gỡ từ ngày 1 đến 15-8. Dardene & Boyd cho rằng thân chủ của họ thiệt hại đến 3,75 tỉ USD vì phải thiết kế lại trên dự án ven biển rộng 600 ha nên tăng vọt chi phí tái tạo đất, bãi biển do việc khai thác titan gây ra và các lợi nhuận thất thoát khi không xây dựng được khu du lịch.
Vẫn muốn thương lượng trước khi ra trọng tài
Ngày 24-8, Thường trực Trọng tài Quốc tế đã gửi email đến Công ty Luật Dardene & Boyd, Vụ Luật pháp Quốc tế - Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan nơi có trụ sở của Tòa án Quốc tế CIJ (Cour Internationale de Justice - La Haye) thông báo việc Trọng tài Quốc tế thụ lý vụ kiện.
Trong email, Thường trực Trọng tài Quốc tế cho biết đã chọn các trọng tài viên gồm ông John Y. Gotanda, Chủ nhiệm, GS luật ĐH Luật Villanova (Mỹ); GS Campell McLachlan, ĐH Luật Victoria ở Wellington (New Zealand) và ông Neil Kaplan, cố vấn Trọng tài Quốc tế ở Hong Kong, thực hiện việc phân xử vụ kiện. Thường trực Trọng tài Quốc tế cũng thông báo hai bên tranh chấp có trách nhiệm cung cấp các tài liệu liên quan cho ông Kaplan.
Công ty Luật Dardene & Boyd cũng nhìn nhận số tiền đòi bồi thường 3,75 tỉ USD là “lớn đáng kinh ngạc” nhưng lại cho rằng tương ứng với những tổn thất của thân chủ. Dardene & Boyd cũng tỏ rõ muốn thông qua thương lượng về số tiền bồi thường trước khi Tòa án Trọng tài Quốc tế chính thức đứng phân xử.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập tổ rà soát liên ngành để chuẩn bị cho vụ kiện. UBND Tỉnh Bình Thuận cũng đã cử giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, một phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia tổ rà soát. Bình Thuận cũng đang xúc tiến tìm kiếm luật sư để tham gia vụ kiện.
Nếu vụ kiện này đưa ra phân xử thì có thể đây là vụ kiện có số tiền đòi bồi thường lớn nhất từ trước tới nay.
Chế định Trọng tài Quốc tế Theo luật pháp quốc tế, có hai dạng tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Thứ nhất là tranh chấp giữa các bên đối tác nước ngoài với nhau. Thứ hai là tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà nước sở tại. Phần lớn trong dự án đầu tư không có chuyện nhà đầu tư nước ngoài ký hợp đồng với nhà nước vì họ cứ dựa vào luật đầu tư mà làm, trừ một số trường hợp nhà nước đứng ra cam đoan gì đó thì có khi có điều khoản về trọng tài. Do đó khi phát sinh tranh chấp thì trước hết phải xem có các công ước quốc tế mà nhà nước ấy đã tham gia cho phép đưa tranh chấp ra trọng tài hay không. Nếu không, còn có một dạng công ước mà nhà nước sở tại và nhà nước của nhà đầu tư ấy cùng tham gia. Ví dụ: Trong khối ASEAN có ký một công ước về bảo hộ đầu tư. Nhà đầu tư của nước này sang đầu tư ở nước khác cùng khối thì khi có tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước sở tại, họ được phép đưa ra Trọng tài Quốc tế phân xử. Nguyên tắc chung là như vậy, còn tùy vào vụ việc cụ thể có thể có đánh giá riêng. Về việc thi hành các phán quyết Thường trong các công ước đều có quy định về việc thi hành phán quyết trọng tài. Hiện có một công ước chung mà rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam tham gia, là Công ước New York. Vì thế, nếu có một phán quyết của Trọng tài Quốc tế mà các bên có liên quan đều là thành viên của công ước thì phán quyết được thi hành ở Việt Nam. Nó giống như việc thi hành một phán quyết trọng tài hay một bản án trong nước. Luật sưTRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, THANH TÙNG ghi Tháng 7-2006, sau khi nhận kiến nghị của South Fork, UBND tỉnh đã có thông báo khẳng định không cấp phép cho khai thác titan trong dự án. Thế nhưng sau đó South Fork lại thỏa thuận đồng ý cho Công ty Đường Lâm khai thác titan. Tôn trọng thỏa thuận của hai bên, tháng 11-2007, UBND tỉnh mới cấp phép cho Công ty Đường Lâm hoạt động. Vì thế, UBND tỉnh Bình Thuận không áp đặt như South Fork quy kết. Hơn nữa, diện tích khai thác titan không nằm trong diện tích hơn 3,3 triệu m2 đất đã giao cho South Fork ở giai đoạn 1. Ông NGUYỄN VĂN DŨNG,nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phụ trách kinh tế thời điểm South Fork gửi kiến nghị Theo UBND tỉnh Bình Thuận, từ năm 2008, tỉnh đã nhận được thông tin Công ty Đường Lâm muốn khai thác titan trong dự án của South Fork thì phải nộp cho South Fork 20 USD/tấn. Công an đã xác định Công ty Đường Lâm có chuyển khoản hơn 4 tỉ đồng cho South Fork nhưng các hóa đơn này lại không ghi nội dung chuyển tiền nên khó xác định số tiền trên có phải là trả cho quyền khai thác titan hay không. |
PHƯƠNG NAM