Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrey Taran, Nga đang chuẩn bị cho bán đảo Crimea khả năng cất trữ vũ khí hạt nhân. Ông Taran cho rằng những binh sĩ đồn trú tại khu vực này có thể “thực hiện các hành động khiêu khích quân sự thực chất” trong năm nay.
Ukraine: 110.000 lính Nga tập trung sát Ukraine
Theo đài RT, phát biểu trước ủy ban quốc phòng của Nghị viện châu Âu hôm 14-4, Bộ trưởng Taran nói rằng Nga đã tập trung 110.000 binh sĩ sát biên giới với Ukraine, cao hơn nhiều so với ước tính trước đó.
“Cơ sở hạ tầng của Crimea đang được chuẩn bị cho khả năng tích trữ vũ khí hạt nhân. Chính sự có mặt của vũ khí hạt nhân trên bán đảo có thể châm ngòi cho một loạt vấn đề phức tạp về chính trị, luật pháp và đạo đức” – ông Taran nói.
Căng thẳng giữa Ukraine và Nga dâng cao từ đầu năm 2021. Ảnh: STR/AFP
Đây không phải lần đầu ông Taran đưa ra suy đoán về vấn đề này. Tháng 12-2020, ông Taran tuyên bố việc Nga chuẩn bị triển khai vũ khí hạt nhân ở Crimea đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho toàn bộ châu Âu và thế giới văn minh.
Mối quan hệ giữa Moscow và Kiev xấu đi từ tháng 3-2014, thời điểm bán đảo Crimea được sáp nhập vào lãnh thổ Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý. Hầu hết các nước không công nhận cuộc trưng cầu dân ý vì những nước này xem đây là bán đảo của Ukraine bị chiếm đóng trái phép.
Đối với chính quyền Crimea, các nhà chính trị địa phương đã bác những phát ngôn của ông Taran, nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hoàn toàn không có bằng chứng cho những tuyên bố của ông.
“Có khá nhiều tuyên bố không có căn cứ tương tự từ các chính trị gia và quan chức nhà nước Ukraine. Tất cả thật vớ vẩn” – ông Yury Gempel, người đứng đầu ủy ban về ngoại giao và quan hệ dân tộc của nghị viện Crimea nói.
Ông Gempel nhấn mạnh rằng đây chính là “quyền chủ quyền của Nga” để đặt vũ khí của nước này tại bất cứ đâu thuộc lãnh thổ của Nga.
Một chính trị gia khác, nghị sĩ Andrey Kozenko nói đùa rằng ông Taran có lẽ đã vô tình nhầm lẫn việc xây dựng bệnh viện, trường học với khung cảnh chuẩn bị cho triển khai vũ khí hạt nhân.
“Ông Taran không nên đi tới Nghị viện châu Âu, mà hãy tới văn phòng của một nhà trị liệu tâm lý. Nga thật sự có tiềm năng quân sự hùng hậu và nếu muốn, nước này có thể triển khai đầu đạn hạt nhân ở Crimea, và Kiev sẽ là người cuối cùng biết điều đó” – ông Kozenko nói.
Trong những tuần gần đây, căng thẳng giữa Ukraine và Nga leo thang đáng kể, khiến thế giới lo ngại một cuộc xung đột có thể sắp xảy ra. Cả Ukraine và Nga đã tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới ngăn cách hai nước, với việc Kiev tuyên bố Moscow tập trung khoảng 110.000 quân ở đó.
Theo những ước tính trước đó từ các nguồn như báo The New York Times, Nga huy động khoảng 4.000 quân. Đáp lại, Nga chĩa mùi dùi vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nói rằng binh sĩ nước ngoài không ngừng tập trận quân sự với các đối tác Ukraine.
Hôm 14-4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những lo ngại của phương Tây về hoạt động chuyển quân của Nga là không có căn cứ.
“Chúng tôi tin rằng những lo ngại của các nước, bao gồm Mỹ liên quan tới hoạt động chuyển quân của lực lượng vũ trang chúng tôi trên lãnh thổ Nga là vô căn cứ” – ông Peskov nói.
Ukraine cao buộc Nga công khai đe dọa hủy diệt nước này
Theo báo The Moscow Times, hôm 15-4, trước thềm diễn ra cuộc họp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Kiev cáo buộc Nga công khai đe dọa hủy diệt Ukraine.
Ông Zelenskiy dự kiến sẽ tới Paris (Pháp) trong ngày 16-4 để thảo luận với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về căng thẳng gia tăng hiện nay giữa Nga và Ukraine. Hai nhà lãnh đạo sẽ cùng hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel qua video.
Binh sĩ Ukraine gần tiền tuyến với phe ly khai thuộc tỉnh Lugansk ở miền Đông Ukraine. Ảnh: STR/AFP via Getty Images
Trước chuyến thăm Paris của ông Zelenskiy, ngoại trưởng của các nước thành viên EU như Estonia, Latvia và Lithuania đã đến Kiev hôm 15-4 để bày tỏ ủng hộ.
Phát biểu bên cạnh các nhà ngoại giao đang đến thăm, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với báo giới rằng luận điệu ở Nga đã lên đến đỉnh điểm với việc các chuyên gia và quan chức đưa ra những tuyên bố “vô nhân đạo” nhằm hăm dọa Kiev.
“Họ công khai đe dọa Ukraine bằng chiến tranh và hủy diệt nhà nước Ukraine” – ông Kuleba nói.
“Lằn ranh đỏ của Ukraine là biên giới quốc gia. Nếu Nga vượt lằn ranh đỏ đó thì nước này sẽ gánh chịu hậu quả” – ông Kuleba nhấn mạnh.
Việc ngoại trưởng các nước Baltic sang thăm Ukraine là nghĩa cử mới nhất thể hiện sự ủng hộ của các nước châu Âu và Mỹ dành cho Ukraine.
“Ukraine sẽ không bao giờ một mình. Chúng tôi sát cánh cùng các bạn” – Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói với báo giới.
“Chúng tôi không sợ. Bản thân Ukraine đủ mạnh và có những người bạn tin cậy để bảo vệ đất nước. Điều quan trọng là làm cho Nga hiểu rõ rằng hậu quả trong việc nước này thực hiện phiêu lưu quân sự sẽ rất đau đớn” – Ngoại trưởng Ukraine Kuleba cảnh báo.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng nước này không đứng về phía bên nào trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
“Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine” – ông Cavusoglu trả lời phỏng vấn hãng tin NTV.
Ông Cavusoglu cho hay Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhìn thấy hòa bình ở khu vực Biển Đen, song căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine đang ngăn cản điều đó. Ông nhấn mạnh Ankara muốn có một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
“Chúng tôi không đứng về bên nào. Lập trường của chúng tôi rõ ràng, có cân nhắc và mang tính xây dựng” – Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.