Ukraine tranh cãi bài toán xuất khẩu vũ khí giữa lúc chiến sự

(PLO)- Các công ty vũ khí ở Ukraine cho rằng việc xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài sẽ thúc đẩy sản xuất và bù đắp cho tình trạng thiếu hụt tài chính của mà nước này đang đối mặt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ năm 2022, Ukraine cấm xuất khẩu vũ khí sang nước ngoài nhằm ưu tiên đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang Ukraine.

Trong bối cảnh cuộc chiến với Nga đang ở giai đoạn chiến tranh tiêu hao, chính quyền Kiev đang chịu áp lực từ các nhà sản xuất vũ khí liên quan việc cho phép xuất khẩu vũ khí để trang trải chi phí.

“Đến nay, quyết định về việc mở cửa xuất khẩu có kiểm soát vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm ý chí chính trị từ giới lãnh đạo cao nhất của Ukraine” - bà Halyna Yanchenko, đại biểu quốc hội Ukraine và là thư ký của Hội đồng đầu tư quốc gia (một cơ quan cố vấn khuyến khích các mối liên hệ giữa ngành công nghiệp, chính phủ và nhà đầu tư ở Ukraine), nói với tờ POLITICO.

Tranh cãi giữa chính phủ và nhà sản xuất vũ khí

Theo POLITICO, quốc hội Ukraine đang xây dựng một cơ chế cho phép các nhà sản xuất bán sản lượng dư thừa ra nước ngoài theo các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chỉ bán những mặt hàng không cần thiết ở tuyến đầu. Việc bật đèn xanh có thể giúp các công ty vũ khí kiếm được tới 15 tỉ USD/năm và thúc đẩy sản xuất vũ khí của Ukraine.

“Vũ khí sản xuất tại Ukraine và được thử nghiệm trong thực chiến được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Các nhà sản xuất Ukraine có thể sẽ có hàng dài khách hàng và ký hợp đồng trong nhiều năm tới nếu việc xuất khẩu vũ khí không bị chặn” - bà Yanchenko phát biểu tại quốc hội Ukraine vào tháng trước.

“Các hạn chế xuất khẩu đang kìm hãm sự phát triển của một ngành công nghiệp chiến lược” - bà Yanchenko nói thêm.

Việc xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu có thể được đưa ra do tình trạng thiếu hụt tiền mặt của ngành công nghiệp quốc phòng.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã bùng nổ về quy mô để phản ứng trước cuộc chiến với Nga.

Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng chỉ trong nửa đầu năm nay, Ukraine đã sản xuất được lượng đạn dược nhiều gấp 25 lần so với năm 2022, có khả năng sản xuất 4 triệu máy bay không người lái (UAV) mỗi năm, đã bắt đầu sản xuất đạn 155 mm theo tiêu chuẩn NATO cũng như pháo tự hành Bohdana và đang phát triển tên lửa đạn đạo của riêng mình.

xuat-khau-vu-khi (1).jpg
Pháo tự hành Bohda - vũ khí mà Ukraine đã có thể tự sản xuất. Ảnh: AFP

Vấn đề là các công ty quốc phòng Ukraine có thể sản xuất 20 tỉ USD vũ khí và đạn dược mỗi năm, nhưng chính quyền chỉ có thể chi 6 tỉ USD cho việc mua đạn dược. Điều này thúc đẩy các nhà sản xuất vũ khí gây sức ép lên chính phủ nhằm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu.

“Chúng tôi đã mở rộng năng lực của mình trong thời chiến, nhưng do không có hợp đồng dài hạn và dòng tiền tài trợ thường xuyên nên việc sản xuất phải dừng lại” - bà Yuliia Vysotska, giám đốc điều hành cấp cao của hãng thiết giáp Ukraine Praktika, nói với POLITICO.

Bà Vysotska nói thêm rằng công ty của bà đã cho nhiều nhân viên nghỉ việc vì không có tiền trả lương và không có đơn hàng.

Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Ukraine cho biết việc cho phép xuất khẩu quân sự có thể củng cố nền kinh tế của đất nước. Hiệp hội lập luận rằng việc cấp phép xuất khẩu có thể mang lại 2 tỉ USD tiền thuế cho nhà nước trong vòng 18 tháng.

Còn theo Lực lượng Công nghệ Ukraine, liên đoàn các nhà sản xuất UAV ở Ukraine, việc không cho phép xuất khẩu khiến 85% các nhà sản xuất vũ khí của Ukraine nghĩ đến việc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Mặc dù quốc hội đang cân nhắc việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu, chính phủ vẫn coi việc cho phép bán vũ khí ra nước ngoài là nguy hiểm về mặt chính trị.

“Hãy tưởng tượng xem điều đó sẽ như thế nào? Ukraine xuất khẩu vũ khí của mình trong chiến tranh trong khi yêu cầu các đối tác viện trợ quân sự. Người dân Ukraine sẽ không hiểu, các đối tác sẽ không hiểu” - một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Ukraine nói với POLITICO với điều kiện giấu tên.

Một quan chức cấp cao khác của Ukraine thân cận với văn phòng tổng thống, nói rằng ông Zelensky tập trung nhiều hơn vào việc tìm kiếm các khoản đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng.

“Chúng tôi không có lập trường về xuất khẩu. Tôi nghĩ quân đội Ukraine không đồng tình việc cho phép bán vũ khí, trong khi binh sĩ trong nước cần vũ khí” - vị quan chức cho hay.

Con đường tài trợ cho ngành công nghiệp vũ khí Ukraine

Trong khi lệnh cấm xuất khẩu vẫn còn hiệu lực, Kiev mong muốn thúc đẩy các đối tác đầu tư vào việc sản xuất vũ khí tại Ukraine, chủ yếu là UAV và hệ thống tác chiến điện tử.

Các nước đối tác hiện đã bắt đầu ký hợp đồng với các nhà sản xuất vũ khí của Ukraine.

Giữa chiến sự, Ukraine có nên xuất khẩu vũ khí?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm một khu huấn luyện quân sự ở Đức vào tháng 6. Ảnh: REUTERS

Liên minh châu Âu (EU) đã phân bổ 400 triệu euro từ các tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho các công ty quốc phòng của Ukraine. Nỗ lực này do Đan Mạch dẫn đầu.

Bà Katarína Mathernová - Đại sứ EU tại Ukraine - nói với tờ European Pravda: “Bạn [các công ty vũ khí Ukraine] sản xuất [các mặt hàng] có chất lượng tương đương với chi phí thấp hơn, nhanh hơn, bạn cắt giảm chi phí vận chuyển và hậu cần, và các công ty nộp thuế [cho Ukraine], do đó bạn đang giúp ích cho nền kinh tế”

Lithuanian và Canada cũng cam kết tài trợ cho ngành công nghiệp vũ khí Ukraine.

Cho phép xuất khẩu chỉ là một trong những thay đổi mà ngành công nghiệp này đang tranh luận. Những thay đổi khác bao gồm: Bộ quốc phòng ký hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất trong nước; ưu tiên các nhà sản xuất trong nước hơn là nhà nhập khẩu; và số hóa danh sách nhu cầu quân sự.

“Bộ Công nghiệp Chiến lược đang đấu tranh để chúng tôi có được hợp đồng ba năm. Một số ít hợp đồng đã được ký kết, nhưng chúng tôi vẫn còn thiếu vốn” - giám đốc Vysotska nói.

Cũng theo bà Vysotska, một vấn đề khác đối với ngành công nghiệp vũ khí Ukraine đó là thiếu linh kiện. “Các nhà sản xuất Ukraine đôi khi phải chờ tới 18 tháng để có được các bộ phận quan trọng và trong thời chiến, 18 tháng là bất khả thi” - bà Vysotska nói thêm.

Bà Halyna Yavorska, luật sư tại một doanh nghiệp sản xuất UAV ở thủ đô Kiev, nói rằng Ukraine đã bắt đầu sản xuất bảng mạch cho UAV, nhưng hầu hết các thành phần vẫn đến từ Trung Quốc.

“Trung Quốc thực sự không muốn giao hàng. Tôi không thể tìm thấy kính bảo hộ. Không có trên ứng dụng mua sắm AliExpress ở Ukraine” - bà Yavorska chia sẻ, đồng thời lưu ý rằng nguyên nhân chính khiến Ukraine không thể mua các thành phần vũ khí là vì chính phủ thiếu vốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm