Ứng dụng công nghệ thông tin, giấc mơ xa vời của các bảo tàng ngoài công lập

(PLO)- Hiện nay, nhiều bảo tàng, thư viện đã thực hiện số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, tuy nhiên đó là giấc mơ xa vời của các bảo tàng ngoài công lập. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-8, Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp với ĐH Văn hoá TP.HCM tổ chức buổi hội thảo khoa học "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá".

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: VĂN HÀ

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: VĂN HÀ

Ứng dụng CNTT vào thư viện, bảo tàng

Tại hội thảo, ThS Vĩnh Quốc Bảo, PGĐ Thư viện Khoa học tổng hợp cho biết Dự án số hóa đầu tiên vào năm 1998 nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, thư viện đã số hóa thực hiện bộ sưu tập số toàn văn tài liệu quý hiếm.

ThS Vĩnh Quốc Bảo, PGĐ Thư viện Khoa học tổng hợp phát biểu tại hội thảo

ThS Vĩnh Quốc Bảo, PGĐ Thư viện Khoa học tổng hợp phát biểu tại hội thảo

Năm 2006, bắt đầu triển khai dự án VALEASE - Dự án Thư viện điện tử Bibliotheca Vietnamica nằm trong khuôn khổ Dự án Phát huy mạng lưới phát hành sách và thư viện tại Đông Nam Á của Quỹ đoàn kết (FSP VALEASE), do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao Pháp phối hợp thực hiện với nhiều thư viện tại Việt Nam.

"Mục đích của Dự án số hóa kho tài liệu Pháp ngữ cổ của Thư viện là bảo quản tránh những tác nhân gây hại và tăng cường khả năng sử dụng thông qua nội dung số; thư viện số hóa 540.000 trang tài liệu quý hiếm được chọn lựa cẩn thận về nội dung thuộc kho Đông Dương" - ông Bảo cho hay.

Sau đó, từ năm 2019 – 2022, thực hiện dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh”. Dự án ưu tiên số hóa tài liệu quý hiếm, tài liệu hạn chế, tài liệu sắp hư hỏng có giá trị nghiên cứu, tài liệu độc bản do thư viện sở hữu. Kết quả số hóa được và đã tạo cơ sở dữ liệu cho hơn 4 triệu trang tài liệu bao gồm sách quý hiếm kho Đông Dương, báo/ tạp chí Đông dương, báo/tạp chí Việt, tài liệu về âm nhạc.

Đặc biệt, Thư viện cũng đã ứng dụng công nghệ số trong việc bảo tồn, phát huy di sản quý hiếm Hán Nôm.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, PGĐ Bảo tàng TP.HCM, chi nhánh TP.HCM cũng cho biết nhằm nâng cao công tác quản lý tài liệu, hiện vật, từ 2018, Bảo tàng đã xây dựng và hoàn thiện Sổ theo dõi hiện vật bảo tàng trên máy vi tính và được cập nhật, bổ sung thêm số lượng hiện vật hằng năm để phục vụ cho công tác lưu trữ, tra cứu thông tin...

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, PGĐ Bảo tàng TP.HCM, chi nhánh TP.HCM

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, PGĐ Bảo tàng TP.HCM, chi nhánh TP.HCM

Chỉ cần thao tác trên máy tính, cán bộ kiểm kê sẽ biết được số đăng ký, số phân loại, hình ảnh của hiện vật, vị trí cất giữ hiện vật trong kho giúp rút ngắn thời gian tìm kiếm, tìm thấy hiện vật một cách chính xác và hiệu quả để phục vụ việc khai thác tư liệu, hình ảnh phục vụ triển lãm cho các đơn vị một cách nhanh chóng và kịp thời.

"Hiện nay, Bảo tàng đã số hóa được 18.756 tài liệu, hiện vật và đang tiếp tục thực hiện và cũng từng bước scan để số hóa hồ sơ của hiện vật nhằm phục vụ lưu trữ và khai thác nội dung hiện vật để trưng bày, tuyên truyền, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh.

Bên cạnh số hóa hình ảnh tư liệu, hồ sơ hiện vật, Bảo tàng thực hiện số hóa thư viện sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tổng số 2.855 tựa sách (6.008 cuốn) để phục vụ cho công tác quản lý, tra cứu và phục vụ bạn đọc dễ dàng, thuận tiện" – bà Liên cho hay.

Các bạn trẻ trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR bên lề hội thảo.

Các bạn trẻ trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR bên lề hội thảo.

Bảo tàng ngoài công lập mong được quan tâm

Tại buổi hội thảo, đại diện cho nhóm bảo tàng ngoài công lập, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc bảo tàng Áo dài cho biết bà xuất hiện không chỉ với tư cách bảo tàng Áo dài mà còn là cố vấn của bảo tàng Sâm ngọc linh, đồng thời giới thiệu một bảo tàng chưa khánh thành là bảo tàng Gốm sứ Thăng Long và bảo tàng Biệt động Sài Gòn sắp ra mắt trong thời gian tới.

"Bảo tàng ngoài công lập tại TP.HCM, Bình Dương đang đuổi theo 'đàn anh' ở trong thành phố cũng như các tỉnh để khẳng định vai trò, vị trí của mình nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hoá từ góc độ tư nhân" - bà Vân nhận định.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc bảo tàng Áo dài chia sẻ.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc bảo tàng Áo dài chia sẻ.

Tuy nhiên, theo bà Vân, vốn liếng để làm các bảo tàng tư nhân rất khó khăn vì nó xuất phát từ gia đình, công ty tư nhân, do đó vươn đến việc ứng dụng CNTT là một ước mơ rất xa đối với bảo tàng ngoài công lập.

"Nhưng tôi nghĩ, với sự đồng hành của nhà nước và các công ty, đơn vị CNTT cùng các quỹ văn hoá của quốc tế thì một ngày nào đó ước mơ của các bảo tàng ngoài công lập vươn đến các ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình sẽ có thể thực hiện được và sẽ góp phần đáng nể trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của các bảo tàng ngoài công lập, trong đó có những câu chuyện rất đặc sắc của gốm sứ Thăng Long, của bảo tàng Áo dài, của Biệt động Sài Gòn…

Tôi nghĩ, tại hội thảo hôm nay chúng tôi chỉ muốn gióng lên tiếng chuông để các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn đến các bảo tàng ngoài công lập và ước mơ rất xa xôi của các bảo tàng này" – bà Vân bày tỏ.

Bà Vân cũng mong, "Các bảo tàng 'đàn anh' nếu có ứng dụng CNTT trong các hoạt động của mình sẽ cho chúng tôi đến xem để chúng tôi có những bài học.

Đối với các đơn vị đang thực hiện ứng dụng CNTT cho các bảo tàng, trong quá trình thực hiện, nghiệm thu, chúng tôi sẽ tham gia rút kinh nghiệm và hi vọng sẽ có một nguồn quỹ nào đó có thể giúp cho bảo tàng ngoài công lập như chúng tôi thực hiện được ước mơ của mình".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm