Ứng xử trên mạng xã hội: ‘Bút sa gà chết’

Các luật sư đang cảnh báo hiện nay nhiều người đang vô tư đăng tải những ý kiến bức xúc của mình trên mạng xã hội về sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp nhưng không đúng sự thật có thể dẫn đến việc bị khiếu kiện ra tòa và bị phạt tiền.

Chia sẻ có trách nhiệm

Trên mạng mới đây xôn xao vụ việc một khách hàng tung ra thông tin không hài lòng về dịch vụ của một đơn vị trong ngành tài chính - ngân hàng. Tuy nêu đích danh tên của công ty này khi kể về sự việc nhưng khách hàng lại dùng một tài khoản Facebook ảo. Sau khi bị nêu tên trong bài viết có ý xuyên tạc, công ty đã năm lần bảy lượt liên hệ nhưng facebooker này quyết không ra mặt. Công ty cuối cùng buộc phải nhờ một công ty chuyên về mạng xã hội tích hợp tất cả thông tin liên quan đến facebooker và cuối cùng lần ra được số điện thoại cũng như số nhà. Sau khi hai bên gặp gỡ trao đổi, facebooker này đành phải gỡ bài viết xuống vì thông tin không chính xác.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc có những bức xúc và chia sẻ trên mạng xã hội là nhu cầu của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nếu chia sẻ những thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của một cá nhân hay tổ chức khác thì cần phải xem xét và bị xử phạt nghiêm minh. Đối với những người sử dụng mạng xã hội, với tâm lý số đông và mong muốn bảo vệ kẻ yếu thì trước những thông tin chưa rõ đúng sai, chúng ta cần tỉnh táo nhìn nhận vấn đề trước hết là vì quyền lợi của bản thân và sau đó là không trở thành công cụ tiếp tay cho những mục đích nào đó.

“Trong trường hợp bị nêu thông tin không chính xác, gây tổn hại uy tín thương hiệu thì các đơn vị liên quan có thể khởi kiện người viết theo các quy định của pháp luật hiện hành. Điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện cũng đã quy định hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng” - ông Chánh phân tích.

Cảnh giác trước thông tin một chiều

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ngành bảo hiểm là ngành dường như chịu nhiều thông tin thất thiệt trên mạng xã hội nhất vì các thông tin khách hàng đưa ra thường chỉ nêu một chiều, giấu đi những thông tin rất quan trọng về bệnh án do bệnh viện ký hoặc điều khoản quy định trong hợp đồng. Mới đây nhất, một tài khoản Facebook có nick name là Jackson Lee đã đăng tải thông tin gia đình mình có năm người mua bảo hiểm suốt 12 năm tại Manulife nhưng cho rằng mình đã bị lừa, đặc biệt bản thân khách hàng nằm liệt một thời gian dài nhưng bị công ty từ chối bồi thường. Bài viết này được phát tán, chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội cũng như các trang tin điện tử. Tuy nhiên, khi Hiệp hội Bảo hiểm vào cuộc xem xét hợp đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì ra sự thật hoàn toàn khác. Theo đó, khách hàng chưa hề chính thức nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường lên công ty và việc mô tả tình trạng căn bệnh của mình cũng khác hẳn với bệnh án của khách hàng được ghi nhận tại bệnh viện.

“Người đọc phải cảnh giác trước những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội, có những thông tin được chia sẻ rất rầm rộ nhưng người đọc cần tỉnh táo kiểm chứng lại trước khi chia sẻ. Rất nhiều người bình luận ác ý trên các trang mạng xã hội rằng bảo hiểm lừa đảo, không chịu bồi thường là không có cơ sở. Chỉ riêng trong năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã giải quyết yêu cầu chi trả tiền bảo hiểm cho khoảng 1 triệu lượt khách hàng với tổng số tiền chi trả ước đạt 7.983 tỉ đồng. Tuy nhiên, thông thường những ca được bồi thường thì không được nhắc tới, trong khi chỉ một vài ca không được bồi thường thì lại được xem như trường hợp từ chối điển hình. Điều này không công bằng cho các công ty bảo hiểm. Nhất là trong khi các thông tin khách hàng đăng tải ra bên ngoài không đúng với sự thật bệnh án hoặc quy định trong hợp đồng. Ngoài ra, bảo hiểm nhân thọ là một kế hoạch tài chính và bảo hiểm lâu dài, khách hàng cần cân nhắc, không nên chỉ vì chút hiểu lầm hoặc bức xúc mà hủy ngang. Hợp đồng bảo hiểm càng dài, tuổi càng cao, xác suất ốm đau, tai nạn, thương tật, tử vong cũng cao dần, cho nên nếu chấm dứt trước hạn càng sớm thì càng thiệt thòi cho bản thân khách hàng” - ông Lộc lưu ý.

Nói về vụ thông tin một chiều trên Facebook nói trên, bà Bùi Thị Kim Quy, Giám đốc phụ trách khối nghiệp vụ Manulife Việt Nam, cho biết: “Với tiêu chí luôn đặt khách hàng làm trọng tâm và luôn giữ gìn đạo đức kinh doanh, chúng tôi đã hỗ trợ khách hàng đến bệnh viện thu thập hồ sơ y tế để hoàn tất thủ tục bồi thường nhanh chóng. Tuy nhiên, trường hợp này không thỏa được những điều khoản trong hợp đồng dựa trên hồ sơ y tế chúng tôi nhận được từ bệnh viện. Thậm chí khi thấy khách hàng hủy ngang hợp đồng dù đã hoàn thành thời gian đóng phí 12 năm, công ty đã đề xuất sẵn sàng linh động khôi phục hiệu lực hợp đồng nếu khách hàng muốn tiếp tục duy trì hợp đồng để được hưởng quyền lợi bảo hiểm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới