Uống rượu, bia bao lâu mới được lái xe?

“Theo các chuyên gia y tế, lượng cồn trong hoa quả (sầu riêng, vải…) rất ít, ăn xong súc miệng là hết. Nếu người dân sử dụng số lượng lớn thì nên để sau 15-20 phút hãy điều khiển phương tiện giao thông…”.

Bà Trần Thị Xuân Hằng, chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hướng dẫn như vậy tại buổi tọa đàm về những quy định mới của Nghị định 100 về xử phạt giao thông. Tọa đàm diễn ra chiều 9-1, do báo Giao Thông tổ chức.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng Nghị định 100 được dư luận đánh giá cao.

Theo bà Hằng, đối với những người sử dụng rượu, bia mức độ đào thải khỏi cơ thể tùy thuộc vào thể trạng. Tuy nhiên, mức khuyến cáo chung đối với nam giới khoảng 2-3 giờ để đào thải 1 đơn vị cồn. Tương tự, với nữ giới khoảng 3-4 giờ. “Trên cơ sở đó, người dân có thể tính toán tương đối trước khi quyết định tham gia giao thông….”, bà Hằng hướng dẫn.

Nói thêm về lo ngại ăn hoa quả bị xử phạt, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội, khẳng định từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, đơn vị đã xử lý 84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó 18 trường hợp xử phạt kịch khung. “Hiện chưa có trường hợp nào phản ứng khi bị phát hiện có nồng độ cồn mà cho rằng uống siro hay ăn hoa quả" - ông Long nhấn mạnh.

Theo vị Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội, người dân có quyền khiếu kiện, giải trình với công an về hành vi bị cho là vi phạm. Đồng thời người dân hoàn toàn có quyền thổi lại nồng độ cồn lần thứ hai nếu có yêu cầu và muốn chứng minh ”tôi không uống rượu bia”.

“Chúng tôi cũng xin khẳng định nếu lái xe không sử dụng rượu, bia lực lượng chức năng không bao giờ xử phạt…”, ông Long nhấn mạnh lại một lần nữa.

                   Nghị định 100 không trái luật giao thông

Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho rằng Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa quy định cấm hết các hành vi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 35, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia đã sửa đổi, bổ sung khoản 8, Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ về các hành vi bị nghiêm cấm.

“Như vậy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, nghiêm cấm lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia, bất kể nồng độ cồn bao nhiêu… Nên các quy định trên là đồng nhất, không trái luật”, ông Tùng lý giải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm