Như PLOđã thông tin, sáng nay, 16-6, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thảo luận về vụ án Hồ Duy Hải. Đến cuối giờ trưa nay, phiên họp này mới kết thúc.
Theo tìm hiểu, các thành viên của Ủy ban Tư pháp đã xem xét lại các vấn đề của vụ án, từ điều tra, truy tố đến xét xử, đặc biệt là quyết định giám đốc thẩm hồi tháng 5-2020 vừa qua của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Thực nghiệm cảnh Hồ Duy Hải leo qua cổng phụ ở hông Bưu điện Cầu Voi.
Đối với phán quyết giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải nói trên, Ủy ban Tư pháp đã thảo luận về tính đúng đắn, tính phù hợp pháp luật.
Phiên họp của Ủy ban Tư pháp diễn ra sau khi có kiến nghị của gia đình Hồ Duy Hải, của các Đại biểu Quốc hội như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa và Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng kiến nghị mở phiên họp toàn thể. Điều này cũng phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Tư pháp.
Được biết, sau phiên họp này, Ủy ban Tư pháp sẽ có báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền. Chính vì vậy, Ủy ban Tư pháp sẽ phải có quan điểm, chính kiến về vụ án này sau khi tổng hợp ý kiến các thành viên của ủy ban theo đúng chức năng chuyên môn.
Trước đó, trong hai ngày thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách, một số ĐB đã đề cập đến vụ án Hồ Duy Hải và một số vụ án khác đã và đang gây ra dư luận đa chiều trong công luận.
Đặc biệt, vụ án Hồ Duy Hải được đề cập nhiều, nhất là sau kết quả của phiên tòa giám đốc thẩm hồi tháng đầu tháng 5-2020.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình hôm qua, 15-6, trong phát biểu làm rõ ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội về tư pháp đã dành gần như toàn bộ thời gian để thông tin thêm về vụ án Hồ Duy Hải.
Trong phát biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã đưa ra các luận cứ để trả lời cho câu hỏi “Hồ Duy Hải có oan hay không?”. Phát biểu của Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận được nhiều luồng dư luận đa chiều trên công luận. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng nói “sẵn sàng trao đổi thông tin” nếu Đại biểu Quốc hội nào quan tâm.