V-League nhạt phèo khi bị cắt khúc

V-League trở lại và khởi điểm bằng hai trận giữa Hải Phòng - B. Bình Dương trên sân Lạch Tray và SHB Đà Nẵng - Cần Thơ sân Hòa Xuân. Điều đáng nói là trách nhiệm cầu thủ các đội thể hiện trên sân rất nhạt nhòa, cứ như còn ngái ngủ.

Những yếu tố làm nên những trận cầu hấp dẫn ở mức tối thiểu như cầu thủ phải “máu lửa”, có tinh thần chiến đấu cao, phải chạy nhiều và năng động cùng trách nhiệm cao lẫn chơi cống hiến... đã không xảy ra. Họ đá rất nhạt, cầu thủ đã lười chạy, còn hay “trốn thời gian”, khi có va chạm nhẹ nhau cũng cố té, còn trọng tài thì cứ phải cắt trận đấu nát vụn.

Bóng đá là môn thể thao đối kháng và tính hấp dẫn cũng ở sự đối kháng tập thể mà đá kiểu vậy thì chính cầu thủ đã “giết chết” nghề của mình khi làm người xem thấy nhạt nhẽo.

Hơn hết các cầu thủ càng phải ý thức được việc để thúc đẩy bóng đá châu Á phát triển, tiếp cận nhanh với các châu lục, FIFA lẫn AFC kêu gọi các trận bóng ở giải vô địch hướng đến thời lượng “bóng sống” 55 phút (55 phút bóng trong cuộc), rồi nâng dần lên 65 phút nhằm khắc phục những điểm yếu và hướng đến thể lực, sức bền cao dần lên.

V-League trở lại có quá ít pha tranh chấp quyết liệt và nêu cao tinh thần chiến đấu đúng nghĩa. Ảnh: HUY PHẠM

Thế nhưng với riêng bóng đá Việt Nam mà đặc biệt là V-League sau gần hai tháng “hưu chiến” giải đấu này trở lại thì các trận đấu cứ như gắng gượng bị ép ra sân khiến tính đối kháng rất thấp.

Cầu thủ gì mà ra trận cứ liên tục nát vụn khi “đụng đến là ngã”. Rồi khi ngã mà trọng tài không cắt còi thì cầu thủ cứ giãy đành đạch… Điều mà chắc chắn những người xem ai cũng thấy ức chế. Rồi đến khi trọng tài nổi còi hoặc bóng được phá ra biên thì cầu thủ ngồi dậy sửa giày, sửa vớ, chỉnh ống bảo vệ chân… Tiếp theo là trận đấu lại tái diễn với sự đều đều chán nản.

Tất cả hình ảnh đó suy cho cùng là phi thể thao. Người hâm mộ Việt Nam luôn thông cảm và dành cho bóng đá trong nước một tình cảm riêng bởi yếu tố “cây nhà lá vườn” nhưng cứ với đà xem thường người xem này thì rõ ràng mất khán giả rất nhiều.

Khán giả không phải mang bóng đá châu Âu ra so sánh với V-League vì quá khập khiễng. Họ đến sân với tư tưởng mong được xem sự nhiệt tình và cái chính là thái độ cầu thủ nhưng khi thấy sự thể hiện tiêu cực thì xa lánh.

Lẽ ra sau hai tháng gián đoạn, V-League trở lại cầu thủ phải “ham bóng” và lồng lên theo kiểu “đói bóng”, “thèm bóng” luôn đẩy cao nhịp độ trận đấu, đầy tính chiến đấu lên. Đằng này chất lượng trận đấu rất kém, với thời lượng bóng sống suốt một trận đấu có lẽ chỉ 30 phút hơn, nghĩa là thời gian bóng chết và gián đoạn quá nhiều.

Người xem có thể bỏ qua những yếu kém về chuyên môn hay kỹ thuật của cầu thủ nhưng khó chấp nhận chơi môn thể thao đối kháng nhau mà cứ muốn nằm sân, cứ muốn làm nát trận đấu.

V-League một mùa chia ra đến bốn giai đoạn đã không giống ai trên toàn thế giới rồi. Cho dù là ban tổ chức băm V-League ra làm bốn để phục vụ đội tuyển và U-22 làm nhiệm vụ nhưng cũng không vì thế mà cầu thủ nản theo và hời hợt với nghề nghiệp của mình.

Trong khi bóng đá trẻ Việt Nam gần đây có những tiến bộ tốt cùng thành tích quốc tế cao nhờ yếu tố thể lực và nhờ sự tích lũy cần thiết, đặc biệt là tinh thần chiến đấu cao, hết mình. Tuy nhiên, ở mức độ V-League thì lại đi ngược lại và điều này rất đáng lo khi đám trẻ bước vào sân chơi lớn mà không phát huy tố chất có sẵn mà ngược lại “tiêm nhiễm” theo căn bệnh V-League.

Thật đáng lo nếu không kéo V-League trở lại sau khi để tuột xuống đáy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới