Tính đến ngày 28-2, số ca nhiễm virus COVID-19 ở Mỹ là gần 28,5 triệu với hơn 524.000 trường hợp tử vong. Tổng dân số Mỹ vào khoảng 328 triệu người, tức tính bình quân thì trong 100 người ở nước này đã có đến 8-9 người nhiễm virus.
Mỹ đang sử dụng loại vaccine nào?
Từ khi hai vaccine của các công ty Pfizer/BioNTech và Moderna (Mỹ và Đức) được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép vào tháng 12 năm ngoái, chúng đã tạo ra tia sáng cho nước Mỹ ngăn chặn virus và những biến thể của nó. Đến ngày 27-2, lại thêm một tin vui khác khi cơ quan FDA tiếp tục cấp phép cho lưu hành vaccine của Công ty Johnson & Johnson (Mỹ). Như vậy Mỹ sẽ sử dụng ba vaccine tính từ đầu tháng 3.
Vaccine của Pfizer và Moderna là hai liều, được tiêm cách nhau 3-4 tuần, hiệu suất ngăn chặn virus là 95%, trong khi vaccine của Johnson & Johnson là một liều với hiệu suất là 66%. Dù hiệu suất ngăn chặn virus của Johnson & Johnson là 66% nhưng tính chất về vaccine quan trọng như nhau.
“Nếu tôi có vaccine của Johnson & Johnson ngày hôm nay và vaccine của Moderna ngày mai thì tôi sẽ vui vẻ tiêm vaccine của Johnson & Johnson mà không cần đợi. Chúng là những vaccine tuyệt vời” - GS Ashish Jha, Giám đốc khoa sức khỏe cộng đồng tại ĐH Brown (Mỹ), chia sẻ.
Họ đã nói Nên cho phép người đã tiêm vaccine vào Việt Nam Ðến đầu tháng 7 năm nay, đa phần dân Mỹ sẽ có vaccine. Một lượng lớn Việt kiều tại Mỹ mong muốn về thăm gia đình và du lịch sau khi hầu hết chuyến về thăm quê hồi hè năm ngoái hoặc vào dịp tết đầu năm nay đã bị hủy. Đó là chưa kể một số người Mỹ muốn vào Việt Nam tiếp tục công việc của họ tại đây. Chính vì thế, tôi cho rằng và cũng mong muốn chính phủ Việt Nam nên sớm nghiên cứu kế hoạch cấp phép một số chuyến bay thương mại từ Mỹ về Việt Nam phục vụ nhu cầu cao trong hè năm 2021. Lượng lớn Việt kiều từ Mỹ về Việt Nam sẽ phần nào giúp ngành du lịch trong nước vực dậy. Mọi người từ Mỹ về Việt Nam đều có chứng chỉ vaccine thì chúng ta ngần ngại điều gì mà không lên kế hoạch.
Nhân viên y tế tiêm chủng cho người dân tại trung tâm y tế Englewood, bang New Jersey hồi tháng 1. Ảnh: AP
Về việc bảo quản, vaccine của Pfizer/BioNTech bảo quản và vận chuyển trong những thiết bị chuyên dụng ở nhiệt độ cực lạnh -70 độ C nhưng mới đây, hai công ty này đã xin FDA chấp thuận cho nâng nhiệt độ lên mức -20 độ c. Vaccine của Moderna khi vận chuyển phải giữ ở nhiệt độ cực lạnh nhưng lúc bảo quản thì chỉ cần đặt ở độ lạnh thông thường. Vaccine của Johnson & Johnson có thể được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ thông thường, đây là ưu điểm giúp các nước đang phát triển như Việt Nam dễ tiếp cận loại vaccine này.
Phương thức sản xuất vaccine của Mỹ và các nước phương Tây được tiến hành theo quy trình ba giai đoạn với giai đoạn cuối cùng được kiểm nghiệm trên số lượng lớn 30.000- 44.000 người từ khắp châu lục. Số liệu vaccine sau đó được công bố minh bạch để các nhà khoa học trên thế giới tham gia nghiên cứu và phản biện. Ðó là lý do hầu hết quốc gia trên thế giới tin tưởng và muốn sử dụng vaccine của Mỹ hay Anh cho dân của họ.
Việc tiêm vaccine ở Mỹ được thực hiện ra sao?
Pfizer là hãng dược hàng đầu thế giới, có tiềm năng sản xuất mạnh và đã cam kết sản xuất 50 triệu liều vaccine trong năm 2020 và 1,3 tỉ liều trong năm 2021. Trong khi đó, Moderna cũng không kém phần nổi trội khi cam kết sản xuất 600 triệu liều trong năm 2021. Riêng Công ty Johnson & Johnson có kế hoạch sản xuất muộn hơn, cam kết sản xuất 100 triệu liều trước cuối tháng 6-2021.
Hồi nhậm chức vào tháng 1-2021, Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ tiêm vaccine cho ít nhất 100 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tiên. Với những chuyển biến mới về việc sản xuất vaccine của ba công ty nói trên cùng sự hợp tác với các công ty vận chuyển hàng hóa, giới chuyên gia y tế Mỹ tự tin đến tháng 4-2021 có thể đạt 3 triệu liều vaccine mỗi ngày.
Hiện số dân Mỹ được tiêm vaccine (cả người mới được tiêm mũi đầu tiên và người được tiêm đủ hai mũi) là gần 49 triệu người, đạt tỉ lệ 14,6% tổng dân số. Nhiều tiểu bang có số dân ít có thể đạt trên 20%. Quy định về các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine ở các tiểu bang về cơ bản cũng tương đối giống nhau, chỉ khác ở một vài điểm do đặc tính riêng về dân số của mỗi vùng.
Cụ thể, chương trình tiêm phòng sẽ được chia làm ba đợt: Đợt đầu tiên dành cho nhân viên y tế và người trên 65 tuổi; đợt thứ hai dành cho người làm trong các ngành thiết yếu khác như giáo dục (tính từ lớp vỡ lòng đến lớp 12 và người làm nghề giữ trẻ), chế biến thực phẩm, vận chuyển, tòa án, cảnh sát...; đợt cuối cùng dành cho những người làm trong lĩnh vực đại học và một số ngành nghề khác.
Về kinh phí, chính phủ Mỹ tiến hành chính sách tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân, kể cả những người nước ngoài (trong đó có người Việt Nam) sinh sống và làm việc tại Mỹ. Cam kết này giúp trấn an người dân, đồng thời tạo niềm tin cho thị trường về một tương lai bình thường hóa lại đời sống kinh tế - xã hội không xa.•
* TRẦN THẮNG, kỹ sư cơ khí hàng không, sinh sống và làm việc tại Mỹ
Góc nhìn
Gợi ý chính sách tiêm vaccine ở Việt Nam
Tổng chi phí tiêm vaccine cho toàn bộ gần 100 triệu dân Việt Nam có thể lên tới 500 triệu USD (khoảng 11.000 tỉ đồng). Dù Chính phủ đã “cam kết, nỗ lực phân phối công bằng, miễn phí, sử dụng hiệu quả vaccine cho người dân”, một số cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị xã hội cũng ngỏ ý chung tay góp tiền mua vaccine với Chính phủ để dập dịch sớm. Hành động chung tay với Chính phủ chống dịch bằng việc bỏ tiền mua vaccine, theo tôi, là rất thiết thực và ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã ra sức dập dịch suốt một năm vừa qua với nhiều gói hỗ trợ tài chính thiết thực và cấp bách.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cần tách bạch chuyện “góp tiền mua vaccine” và “chính sách ưu tiên khi tiêm vaccine”. Nói nôm na, chuyện góp tiền mua vaccine không đồng nghĩa với chuyện được ưu tiên tiêm vaccine. Vì tính chất đặc thù của việc tạo ra “miễn dịch cộng đồng” bằng vaccine, thứ tự tiêm vaccine cũng cần tuân theo các quy trình được nghiên cứu và chứng minh có hiệu quả. Đừng nghĩ rằng địa phương A, công ty B, trường học C đóng góp tiền mua vaccine thì nhân viên, người thân của họ sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước. Nếu nghĩ như vậy là không đúng phương cách ngăn chặn COVID-19 theo chuẩn chung của thế giới.
Hiện nay, lượng vaccine trên thế giới rất hạn chế, ngay cả Mỹ có ba công ty sản xuất vaccine hàng đầu của thế giới vẫn không cung cấp đủ cho nước Mỹ sử dụng. Khi có đủ lượng vaccine cho người Mỹ, ba công ty này sẽ có thời gian sản xuất phục vụ thế giới. Ngoài lượng vaccine Việt Nam nhận được từ chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì phần còn lại Việt Nam sẽ tự mua thêm. Đây là thực trạng mà cả thế giới đều gặp phải chứ không riêng gì Việt Nam.
Ðối tượng ưu tiên được tiêm vaccine tại Mỹ hay Việt Nam hay tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều theo chuẩn gần như giống nhau để đảm bảo hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh đạt mức cao nhất rồi từ từ tiến đến miễn dịch cộng đồng, tức là ngăn ngừa tối đa sự lây lan của virus gây bệnh trong người dân.
(PLO)- Ủy ban tư vấn của Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) đã nhất trí đề nghị FDA cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp với vaccine COVID-19 của J&J.