Văcxin Quinvaxem: tiêm mà lo

Văcxin Quinvaxem: tiêm mà lo ảnh 1
Nhân viên y tế tư vấn cho phụ huynh trước khi tiêm ngừa cho trẻ trong đợt tiêm trở lại Quinvaxem tại Hà Nội - Ảnh: Thúy Anh
Nguyên nhân một phần là từ tháng 11, Hà Nội sẽ triển khai đợt tiêm ngừa kéo dài 3-5 ngày thay vì chỉ có một ngày tiêm chủng/tháng như trước, một phần cũng bởi nhiều phụ huynh lo ngại phản ứng sau tiêm, nhất là sau những thông tin 53 bé ở Tiền Giang có phản ứng phụ trong đợt tiêm trở lại cuối tháng 10. 13 địa phương tiêm ngừa, 81 bé có phản ứng phụTheo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ cuối tháng 10 đến nay đã có 13 địa phương triển khai tiêm ngừa Quinvaxem trở lại. Trong đó miền Bắc có bảy tỉnh thành là Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Thái Bình, Ninh Bình; miền Trung có Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa; miền Nam có Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang. Tính chung đã có 81 bé có phản ứng phụ sau tiêm phải theo dõi tại cơ sở y tế, chủ yếu là các phản ứng như sưng, nóng, đỏ, đau chỗ tiêm, sốt và tiêu chảy sau tiêm, cá biệt đã có những trường hợp tím tái, như Hải Phòng có hai bé, Quảng Ngãi một bé, Thái Nguyên năm bé, Tiền Giang ba bé... Mặc dù ông Phu cho biết các phản ứng kể trên chưa nghiêm trọng, nhưng vẫn gây tâm lý lo lắng cho các gia đình có trẻ tiêm ngừa. Ghi nhận tại Hà Nội ngày 5-11 cũng cho thấy mặc dù được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, như thông báo tại Hà Nội là 100% điểm tiêm ngừa đủ tiêu chuẩn, nhưng trong hai ngày 4 và 5-11 vừa qua không có nhiều trẻ tiêm Quinvaxem như trước thời điểm văcxin này bị tạm dừng (tháng 5-2013). Phần lớn phụ huynh đưa trẻ đi tiêm với thái độ rất thận trọng, đề nghị tư vấn rất kỹ trước khi quyết định tiêm ngừa khiến ở nhiều trạm y tế chúng tôi nhận thấy các nhân viên y tế đã tư vấn nếu gia đình quá lo ngại, đề nghị chuyển sang sử dụng loại văcxin dịch vụ! Trong khi đó trên toàn quốc, nhiều điểm tiêm ngừa chưa chuẩn bị được chu đáo như Hà Nội. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng đến 5-11, tỉ lệ điểm tiêm ngừa đã được kiểm tra chưa đạt chuẩn lên đến 9,9%. Các lỗi chủ yếu là chưa đủ phòng tư vấn, tiêm ngừa và lưu trẻ theo dõi sau tiêm như quy định, chưa đủ hướng dẫn quy trình tiêm chủng an toàn hay sử dụng tủ lạnh chứa văcxin chung với các sinh phẩm khác... Đó là chưa kể còn khoảng 8.000 cơ sở tiêm chủng chưa hoàn tất kiểm tra và chưa có thống kê về điều kiện an toàn. Cảnh giác cao độÔng Trần Đắc Phu nhận xét một trong những vấn đề khiến nhiều địa phương lo ngại vừa qua là quy định mới mỗi điểm tiêm chủng chỉ được tiêm ngừa cho 50 trẻ/ngày, nhưng khi có 55 trẻ đến tiêm ngừa thì có tiêm cho các bé ngoài số 50 ấn định trước hay không. Tiêm ngừa văcxin Quinvaxem cho trẻ tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) - Ảnh: Dương Ngọc Ông Phu cho rằng các địa phương không cứng nhắc quá, không phải 50 là con số cứng, dứt khoát chỉ tiêm cho 50 bé/ngày mà có thể du di sang 51, 52... Nhưng phải đảm bảo đủ thời gian khám sàng lọc, tư vấn, phân loại trước tiêm và 30 phút theo dõi trẻ tại cơ sở y tế sau tiêm. Trả lời câu hỏi về chất lượng văcxin Quinvaxem, trước tình hình Hàn Quốc là nước sản xuất văcxin này không sử dụng Quinvaxem, VN đã ngừng sử dụng sáu tháng nay sử dụng lại và lập tức ghi nhận 81 trường hợp phản ứng phụ, ông Phu cho biết việc tạm ngừng và tiếp tục sử dụng lại văcxin chính thức từ cuối tháng 10 vừa qua đều theo quy trình chung của thế giới. Theo ông Phu, ngoài VN đã có trên 100 quốc gia sử dụng Quinvaxem và văcxin này được kiểm nghiệm cả ở Anh và VN để đánh giá độ an toàn. “Bộ Y tế rất thận trọng, các địa phương cũng thận trọng, như tôi biết Hà Nội đã có kế hoạch đầu tư lại dây chuyền lạnh mặc dù họ có rồi. Trước đây chúng tôi không theo dõi các ca phản ứng sau tiêm theo từng đợt, nay thống kê tình hình từng đợt thế này để có giải pháp ngay” - ông Phu khẳng định. Tuy Bộ Y tế chưa có thống kê số lượng mũi tiêm Quinvaxem ở 13 địa phương đã sử dụng lại văcxin này, nhưng số lượng 81 ca phản ứng sau tiêm, trong đó tỉ lệ tím tái, khó thở (mức phản ứng cao hơn) chiếm khoảng 20% đang cho thấy cần phải cảnh giác, thận trọng hơn nữa khi sử dụng văcxin này. Theo ông Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dù chưa có trường hợp tai biến sau tiêm Quinvaxem nào được xác nhận do nguyên nhân văcxin, nhưng cũng có đến 40% ca tai biến nặng sau tiêm Quinvaxem chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng. Dùng Quinvaxem, lợi có, nhưng nguy cơ cũng rõ ràng là có. Vì vậy, không ít phụ huynh cho con đi tiêm ngừa mà vừa tiêm vừa phập phồng lo.
Theo LAN ANH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm