Sáng 13-9, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ liên quan đến tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, kể từ khi Hiến pháp 2013 được ban hành, chúng ta đã hoàn thành khá nhiều văn bản để thi hành Hiến pháp...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Liên quan đến chất lượng các văn bản, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng một số chính sách được đánh giá tác động chưa đầy đủ, nên khi đưa ra thảo luận thì “vỡ trận”.
Bà cũng cho hay 17% bộ phận làm pháp chế ở Trung ương chưa có trình độ cử nhân Luật. Con số này ở địa phương là hơn 50%. Dù anh em đã có một bằng cử nhân khác, nhưng cử nhân Luật là yêu cầu rất quan trọng đối với bộ phận làm pháp chế.
Bà Nga cũng cho biết, rất băn khoăn khi hệ thống pháp luật của chúng ta thiếu ổn định, “cầm một luật mà không biết luật này đã bị sửa bởi những luật nào”...
“Giờ có tâm lí là các bộ, ngành làm cái gì động vướng một cái là đề nghị sửa luật ngay. Cứ vướng một cái là sửa luật. Cần phải chú ý để giữ sự ổn định của hệ thống luật”- bà Nga nói.
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, tính phối hợp, “nhạc trưởng” không bảo đảm nên khi mỗi bộ, ngành đề xuất một dự án luật đều đưa ra những vấn đề có lợi cho công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của bộ, ngành đó nhưng lại không nhìn đến tổng thể chung.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển
Phó Chủ tịch QH cũng lo lắng khi một số luật có nguy cơ phá vỡ tính thống nhất của cả hệ thống pháp luật. Ông Hiển nhắc lại việc thảo luận về dự án Luật giáo dục (sửa đổi) hôm qua, một dự án Luật mà theo ông, tác động đến rất nhiều luật khác.
“Luật giáo dục nói đến thuế, nói đến chính sách tiền tệ (cho vay), chính sách miễn giảm nọ miễn giảm kia... Cơ chế có liên quan đến một ngành nhưng lại tác động đến các lĩnh vực khác, thiếu mỗi không có luật hình sự trong đó thôi. Tôi rất lo”- ông Hiển nói.
“Tôi nghiên cứu thì thấy có vẻ rơi vào trạng thái “tân quan, tân chính sách” là có thật. Thứ hai, dấu vết của nhiệm kỳ là có thật. Thứ ba, hay vì của cuộc sống phải làm luật, phải có dự án luật... thì có kinh phí?”- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nói sau đó.
Ông Giàu lưu ý vấn đề “kinh phí làm luật” hiện nay. Thực tế, có một số đạo luật chỉ cần sửa vài ba điều nhưng sau một hồi thành vài chục điều, sau lại đề nghị sửa đổi toàn diện...