Vẫn 'đau đầu' với 23.000 container rác ngoại nhập nằm ở cảng

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất phương án xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển.
Theo thống kê của Bộ, tính đến ngày 15-2, có hơn 23.000 container phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển thuộc Cục Hải quan các tỉnh, TP. Trong đó, 9.825 container đã lưu giữ trên 90 ngày.
Lượng hàng phế liệu tồn nhiều nhất là ở Bà Rịa-Vũng Tàu với 9.468 container, tiếp theo là Hải Phòng và TP HCM với lần lượt 6.082 container và 4.689 container.
Với 9.825 container đã lưu giữ trên 90 ngày, Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, TP thông báo tìm chủ hàng. Tuy nhiên đến nay, chỉ 955 container có người đến nhận hoặc xác định được chủ hàng, chiếm tỉ lệ chưa đến 10%.
Vẫn 'đau đầu' với 23.000 container rác ngoại nhập nằm ở cảng ảnh 1

Bộ Tài chính đề xuất phương án hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định bán đấu giá lô hàng

Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính cho rằng cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm toàn bộ các lô hàng phế liệu tồn đọng. Trong đó, đặc biệt lưu ý khâu xử lý các lô phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, bộ này đề xuất 2 phương án xử lý sau khi đã kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng theo các loại: chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu tồn đọng…
Phương án 1, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định bán đấu giá các lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn, cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp hãng tàu không thực hiện, cơ quan hải quan lập danh sách các hãng tàu để làm cơ sở kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam.
Quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan thông báo, nếu hãng tàu chưa thực hiện vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức tiêu hủy. Chi phí tiêu hủy trích từ tiền thu được sau khi bán đấu giá đối với lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn.
Phương án 2, Hội đồng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá toàn bộ các lô hàng tồn đọng. Doanh nghiệp trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy với các lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Tuy nhiên, với phương án này, khó khăn nằm ở chỗ chi phí tiêu hủy lớn khiến doanh nghiệp không hứng thú đăng ký tham gia đấu giá để thu mua các loại hàng hóa này. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiêng về phương án 1.
Bảng chu kỳ kiểm định các loại xe ô tô từ 22-3-2023

Bảng chu kỳ kiểm định các loại xe ô tô từ 22-3-2023

(PLO)- Theo Thông tư 02/2023 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 0g ngày 22-3, chu kỳ kiểm định xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe cá nhân, xe gia đình) có chu kỳ đầu tiên tăng từ 30 tháng lên 36 tháng như bảng dưới đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp 50 doanh nghiệp Mỹ

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp 50 doanh nghiệp Mỹ

(PLO)- Thủ tướng đề nghị các thành viên USABC tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và doanh nghiệp của USABC có thế mạnh