Tại hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Cục Hải quan TP.HCM diễn ra ngày 5-9, bà Phan Ngọc Bảo Trân, đại diện của hãng tàu CMA CGM, cho biết các hãng tàu đang gặp khó khăn với hàng phế liệu nhập khẩu.
Theo bà Trân, có những lô hàng, khách hàng có đầy đủ giấy phép nhập khẩu nhưng vẫn không được thông quan do vướng thủ tục về kiểm định với Bộ TN&MT. DN vì thế không có nguyên liệu để sản xuất, có nguy cơ phá sản; còn hãng tàu thì không thể lấy lại vỏ container. DN mong muốn cơ quan quản lý thay đổi chính sách thì cần có lộ trình để DN thực hiện.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết hiện cả nước có 12.000 container phế liệu, phế thải đang tồn tại các cảng biển. Trong số này, có gần 3.000 container nằm tại các cảng trên địa bàn TP.HCM. Đây là các container không có người nhận hoặc chủ hàng không có giấy phép nhập khẩu từ Bộ TN&MT.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhưng xử lý nghiêm với các doanh nghiệp lợi dụng chính sách.
Ông Thắng cũng cho biết cơ quan hải quan cũng đang rất đau đầu với hàng phế liệu nhập khẩu. Bởi lẽ trong số rất nhiều DN nhập khẩu hàng về, bên cạnh những đơn vị tuân thủ, nhập làm nguyên liệu sản xuất lại cũng có những công ty lợi dụng chính sách, coi Việt Nam như nơi chôn lấp phế liệu, đặt lợi ích DN lên trên tất cả.
“Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quản lý chặt. Một mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN làm ăn nghiêm túc, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Mặt khác, xử lý nghiêm với các DN lợi dụng chính sách.
Đến thời điểm hiện tại, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố hai DN giả mạo giấy tờ, chứng từ để nhập khẩu phế liệu. Các hãng tàu, là đơn vị vận chuyển, cũng cần có trách nhiệm hơn về hàng hóa chuyên chở, cần tuân thủ các quy định về việc hàng hóa nào được phép nhập khẩu, hàng hóa nào không” - ông Thắng cho hay.
Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cũng cho biết thời gian thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan thực tế ngắn hơn quy định. Luồng xanh hệ thống tự động tiếp nhận và thông quan ba giây; luồng vàng thời gian kiểm tra hồ sơ 10-30 phút/bộ hồ sơ, thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa 1-2 giờ/lô hàng.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội EuroCham, nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ quan hải quan trong việc tối ưu hóa các quy định, nhằm tạo thuận lợi giao thương quốc tế với cộng đồng DN châu Âu trên tinh thần hợp tác đối thoại không ngừng. Ông mong rằng Việt Nam sẽ thành nơi đầu tư trung tâm tại khu vực, mở rộng kinh doanh trong khối ASEAN.