Ông thầy người Nhật rất thẳng thắn chỉ ra yếu huyệt của hàng thủ Việt Nam chơi như mơ ngủ trong ba bàn thua và dường như quên mất nhiệm vụ. Tuy nhiên, cái thua của học trò ông Miura lại có lợi hơn cho ông nắm bắt rõ ràng những điểm yếu mà trong bốn trận thắng dễ trước đó (ghi 15 bàn, lọt lưới một bàn), hàng phòng ngự không có nhiều việc làm.
May mà ở trận giao hữu áp chót gặp Palestine, ông Miura mới thấy rõ hơn những sai lầm có hệ thống của các hậu vệ, đặc biệt ở cặp trung vệ bị mắc bẫy việt vị của chính mình và thiếu sự bọc lót hỗ trợ cho nhau. Ban huấn luyện đã không có điều chỉnh nào mà cho bốn hậu vệ Thanh Hiền (phải), Phước Tứ, Huy Cường (giữa), Văn Biển (trái) chơi cả trận như một cách thử sức chịu đựng và có thể thấy đó là chọn lựa tốt nhất.
Trận thua 1-3 có ích rất nhiều cho thầy trò HLV Miura. Ảnh: QUANG THẮNG
Tuy nhiên, HLV Miura vẫn phàn nàn về cách tổ chức phòng ngự thiếu kỷ luật. Ông đã dặn dò cầu thủ không dâng quá cao thì họ lại hớ hênh cho đối phương nhiều lần bứt tốc độ đặt thủ môn Tô Vĩnh Lợi vào thế “xử bắn”. Nếu các chân sút Palestine chuẩn xác hơn thì đội tuyển Việt Nam sẽ vào lưới nhặt bóng không dưới ba lần.
Trong khi đó, hàng tấn công cũng là những cầu thủ chủ chốt qua nhiều cuộc thử nghiệm của ông Miura khi cho cặp tiền vệ trung tâm Tấn Tài - Hoàng Thịnh chơi đủ trận và chỉ thay đổi hai tiền đạo Anh Đức - Công Vinh. Riêng trận thua Palestine có phần lỗi lớn của hai chân sút kỳ cựu này khi liên tục bỏ qua nhiều cơ hội sở trường mười mươi. Công Vinh quá chỉn chu lại thiếu quyết đoán ở những tình huống đối mặt cầu môn trong khi Anh Đức để lại nhiều tiếc nuối ở các pha không chiến. Chính sự lỗi nhịp của các chân sút đã dồn áp lực lên hàng phòng ngự và khi đối phương mở máy tăng tốc thì những tử huyệt lộ ra rõ hơn.
Thế nhưng vấn đề của đội tuyển Việt Nam ngoài những lý do chuyên môn đơn thuần thì ông Miura lại nhìn ra tinh thần chiến đấu của học trò không tốt như mấy trận đấu trước đó. Ông thầy người Nhật gọi đấy là cái thua chính mình trong 90 phút tồi tệ nhất mà ông từng dẫn dắt.
Bên cạnh đó, điều khiến ông Miura còn băn khoăn chính là chảo lửa Mỹ Đình vắng vẻ một cách kỳ lạ, khác hẳn với sự sôi sục như lần đội trẻ U-19 Việt Nam thi đấu. Ông cầu mong sự tiếp lửa từ khán đài ở những trận đấu của đội tuyển thời gian tới như một động lực lớn giúp các học trò mạnh mẽ hơn.
Ông thầy Miura học từ thất bại HLV người Nhật sau mỗi trận đấu đều có những nhận xét rất thẳng thắn và tinh tế, khác hẳn với nhiều đồng nghiệp tiền nhiệm trước đây. Điển hình nếu ông Calisto luôn lớn tiếng bảo vệ cầu thủ một cách cực đoan và sẵn sàng gay gắt với bất cứ những góp ý nào với đội tuyển. Thậm chí là ông Calisto còn cấm cửa báo giới thì HLV Miura lại có không khí trao đổi cởi mở hơn và ông không ngần ngại chỉ ra những điểm còn yếu của đội tuyển rồi yêu cầu học trò sửa sai. Điều này giúp Miura tránh đi nhiều va đập không cần thiết bởi ông luôn tin vào kỹ năng của mình lẫn tin vào các học trò sẽ biết cách học từ những thất bại bổ ích. |