Quản lý nhà nước chưa hiệu quả, cộng thêm ý thức của người chăn nuôi kém hoặc tuy biết là độc hại nhưng vẫn thực hiện vì tham lợi nhuận cao đã khiến các vụ thực phẩm bẩn bê bối hơn bao giờ hết.
Giải mã nguồn cơn thực phẩm bẩn
Bộ NN&PTNT thống kê trong chín tháng đầu năm 2015 đã kiểm tra và phát hiện 1% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt có Salmonella và 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.
Những con số rùng mình này cũng chưa nói hết mức độ “bẩn” của thực phẩm. Hàng loạt vụ phát hiện heo bị bơm nước, bò bị bơm nước, nội tạng động vật được ngâm hóa chất tẩy trắng, tẩy mùi ôi thiu... Đỉnh điểm bê bối năm qua là hàng loạt trại nuôi cho heo dùng chất sabultamol để tăng trọng, siêu nạc dù chất này có thể gây ung thư cho người tiêu dùng. Sau đó lại ngỡ ngàng khi phát hiện người nuôi gà cho gà ăn chất nhuộm dùng trong công nghiệp để da gà, chân gà có màu vàng đẹp mắt...
Do đâu mà người dân lại phải sống trong sợ hãi, mà sợ chính thứ hàng hóa cực kỳ thiết yếu là thực phẩm? Do đâu mà người chăn nuôi, cơ sở giết mổ, người bán thịt... vẫn có thể đưa ra thị trường những thứ thực phẩm bẩn như vậy?
Đại diện một công ty cung cấp thực phẩm cho rằng các cơ sở thu mua, giết mổ vì lợi nhuận mà mua heo bệnh, heo chết, heo bẩn rồi tuồn ra thị trường. Các cơ sở này có thể hoạt động được rải rác khắp nơi là vì chưa có quy hoạch nào về trại chăn nuôi, giết mổ tập trung, phân phối theo hệ thống. Chỉ vài doanh nghiệp lớn mới tự quy hoạch trại nuôi để đảm bảo nguồn cung heo, đầu tư dây chuyền kiểm tra và giết mổ heo sạch, đưa vào hệ thống phân phối ổn định thì mới có thể đảm bảo nguồn thực phẩm sạch.
Bảng hiệu chỉ dẫn rõ thịt heo VietGAP giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi chọn mua đúng thực phẩm được chứng nhận của cơ quan quản lý. Ảnh: TÚ UYÊN
Trong khi thịt vướng hàng hoạt bê bối vì thuốc thì rau cũng dính hàng loạt “nghi án” rau thường trộn vào rau VietGAP tại TP.HCM cũng như từ các tỉnh đổ về. Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết: “Diện tích canh tác của TP hơn 3.000 ha, rau VietGAP chỉ đáp ứng 20%-25% nhu cầu người dân, phần lớn rau vẫn phải nhập từ các tỉnh”. Trong khi nguồn hàng các tỉnh đổ về TP rất nhiều nhưng kiểm soát thì lại rất mỏng.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus, cho biết từng gặp nhiều người chăn nuôi, họ không ý thức được tác hại của thuốc tăng trọng. Họ nghĩ đơn giản rằng thuốc này giúp thịt heo nhiều nạc và đỏ tươi hơn thì họ cho heo dùng chứ họ không biết làm vậy là sai, là gây bệnh cho người ăn thịt heo. Theo nghiên cứu ở châu Âu, khi đưa vào cơ thể con người các chất tăng trọng này một thời gian dài sẽ gây ra ung thư cho người.
Trong khi đó người chăn nuôi bị phát hiện dùng chất cấm thì chỉ bị tịch thu đàn heo, bị phạt hành chính, không đủ răn đe nên không đủ sức thay đổi, rồi đâu lại vào đấy, ông Gabor Fluit chia sẻ.
Dễ dàng mua, vô tư sử dụng
Sở dĩ người chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán có thể dùng các thứ hóa chất tạo ra thực phẩm “bẩn” là do họ có thể mua quá dễ dàng, sử dụng vô tư không bị kiểm tra, kiểm soát.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng điểm trọng yếu nằm ở cửa khẩu biên giới Việt-Trung. Công tác giám sát tại đây chưa tốt khiến các loại hương liệu, phụ gia, hóa chất, trái cây “bẩn”... ào ào tuồn vào nội địa. Tiếp đến là các chợ biên giới, hướng từ Trung Quốc qua Campuchia, thường tuồn những chất bảo quản, chất cấm vào Việt Nam nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng người chăn nuôi, trồng trọt có thể mua dễ dàng và vô tư sử dụng, bất chấp hậu quả mà người tiêu dùng gánh chịu. Người buôn trái cây, rau củ quả thì chọn hàng rẻ, hàng tẩm hóa chất để bán kiếm lời cao.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng ban Quản lý chợ Kim Biên, chia sẻ rằng hiện nay có 16 sạp kinh doanh hương liệu phụ gia thực phẩm (không còn hộ kinh doanh hóa chất công nghiệp), chiếm 3,5% trong tổng 534 sạp ở chợ Kim Biên, được kiểm soát chặt chẽ, mỗi hộ có sổ xuất nhập hàng, có lưu giữ hóa đơn, chứng từ. Hiện có 400 loại hương liệu phụ gia thực phẩm được phép lưu hành theo quy định của Bộ Y tế. Trong 400 chất trên có nhiều chất được sử dụng trong công nghiệp. Ban quản lý chợ chỉ có thể yêu cầu các hộ kinh doanh trưng bày hàng hóa phải có nhãn mác, có giấy chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và nhãn thực tế trên sản phẩm. Tuy nhiên, khu vực bên ngoài chợ, nhất là các con đường xung quanh chợ thì lại bày bán tràn lan hóa chất công nghiệp mà các cơ quan chức năng quản lý không xuể.
Giải pháp cho năm 2016 Đợt cao điểm tháng 10-2015 đến sau tết Bính Thân 2016 của Bộ NN&PTNT: • Kiểm tra thịt heo, thịt gà (sabultamol và vàng O, Salmonella). • Kiểm tra rau, quả (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật). • Kiểm tra tôm, cá nuôi (hóa chất, kháng sinh). • Tổ chức kết nối tiêu thụ giữa các nhà sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đã được chứng nhận áp dụng thực hành sản xuất tốt, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm với cơ sở kinh doanh, phân phối sản phẩm. • Phổ biến, vận động một số cơ sở kinh doanh buôn bán (tập trung vào một số siêu thị, cửa hàng chuyên doanh nông thủy sản) tham gia tiêu thụ sản phẩm an toàn có xác nhận. • Hỗ trợ cơ sở kinh doanh buôn bán lấy mẫu, giám sát và xác nhận sản phẩm an toàn. |
Ông TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM: Chặn ngay từ gốc Khi hàng hóa đã sâu vào nội địa thì công tác quản lý và giám sát vô cùng khó khăn. Đúng ra cơ quan chức năng phải ngăn chặn từ biên giới chứ chặn từ bên trong thị trường nội địa vừa tốn kém khủng khiếp mà hiệu quả lại thấp. Ông VĂN ĐỨC MƯỜI, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Phải quy hoạch giết mổ tập trung Cần hoạch định lại và định hướng cho các đơn vị chăn nuôi phải đạt tối thiểu là tiêu chuẩn VietGAP, kế đến là các tiêu chuẩn cao cấp hơn. Nhà nước cũng cần quy hoạch giết mổ tập trung công nghiệp để thật sự quản lý chặt chẽ nguồn heo đầu vào - nguồn thịt sạch đầu ra. Ông GABOR FLUIT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus: Xử hình sự mới đủ thay đổi Để hạn chế tình trạng heo “bẩn” ra thị trường, cơ quan nhà nước phải thường xuyên lấy mẫu từ các công ty thức ăn chăn nuôi và từ các trang trại lớn để phân tích liên tục. Việt Nam phải thay đổi cách phạt để răn đe người sản xuất, chăn nuôi. Khi phát hiện đơn vị có sử dụng chất tăng trọng thì không chỉ dùng cách xử phạt hành chính, phạt tiền như hiện nay mà phải dùng cách xử lý hình sự, người nuôi heo lãnh án tù thì mới có hiệu quả quản lý được. Mặt khác, cần phải thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi để họ biết cách nuôi heo, dùng thuốc... cho đúng cách. Ông TRẦN NGỌC HIỆP, Trưởng ban Quản lý chợ Kim Biên: Kiểm tra hóa chất Cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra các điểm kinh doanh ngoài chợ, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh vừa có hóa chất công nghiệp vừa có phụ gia thực phẩm thì mới hạn chế được tình trạng mua bán, sử dụng hóa chất cho chăn nuôi, trồng trọt một cách tràn lan. |