Đừng để cái bóng quá lớn luật lệ đè mãi tương lai điện ảnh Việt Nam

Trong phiên họp toàn thể của Quốc hội, dưới hình thức trực tuyến, chiều 28-10, dự án sửa đổi Luật điện ảnh thu hút sự quan tâm của khá nhiều đại biểu. 

Thu hút người nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam

Phát biểu từ điểm cầu Bắc Ninh, ĐB Trần Thị Vân lưu ý đến việc thu hút tổ chức, người nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam. Theo bà, dự thảo chưa có hành lang pháp lý mang tính đột phá nào.

ĐBQH Trần Thị Vân. Ảnh: quochoi.vn

"Cần phải rõ ưu đãi ra sao, hấp dẫn thế nào, thủ tục ưu đãi có minh bạch, thuận lợi và nhanh chóng không. Luật Điện ảnh nếu thông qua với chính sách ưu đãi theo hướng này chắc chắn sẽ là lời kêu gọi hấp dẫn để mời chào nhà sản xuất phim nước ngoài" - bà  Vân nói.

Bà Vân đề nghị cơ quan soạn thảo nên đưa ra các số liệu về lợi ích mà chính sách điện ảnh mang lại cho Việt Nam. Quốc hội dựa vào đó so sánh, lựa chọn giữa chi phí và lợi ích trước khi quyết định thông qua luật.

Theo bà Vân, rất nhiều nhà làm phim đánh giá cao vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam, sự khéo léo, thân thiện, thông minh của người Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại ít chọn đến Việt Nam do chúng ta chưa có chính sách ưu đãi, chưa rõ ràng, minh bạch.

Vị ĐBQH này cho rằng nên tham khảo Thái Lan - đất nước có điều kiện tự nhiên, văn hóa tương đồng. Năm 2018, lần đầu tiên Thái Lan áp dụng chính sách ưu đãi từ 15-20% hoàn thuế cho đoàn làm phim nước ngoài thì ngay trong năm đó, họ đã thu hút được 714 đoàn làm phim quốc tế, mang lại doanh thu 98 triệu USD.

Bà Vân dẫn lại "Good Morning Việt Nam" (Xin chào Việt Nam) - một trong những bộ phim hài hay nhất của nước Mỹ, về đề tài chiến tranh Việt Nam, với câu chuyện diễn ra tại Việt Nam nhưng toàn bộ cảnh quay lại được thực hiện ở Thái Lan. Nhân vật nữ tên Trinh thướt tha trong tà áo dài trắng Việt Nam nhưng do một cô gái Thái Lan đóng. Phim này được sản xuất từ năm 1987 khi Việt Nam ở ngưỡng cửa thời kỳ Đổi mới, việc đoàn làm phim chọn quay ở Thái Lan thay vì Việt Nam là điều dễ hiểu, nhưng câu chuyện này vẫn đáng suy nghĩ.

Nhiều quy định cấm… mơ hồ

“Điều khó khăn nhất khi chấp bút dự án Luật Điện ảnh lần này đó chính là đưa một hoạt động mang tính chất nghệ thuật sáng tạo vào khuôn khổ, đường biên của thể chế, trong khi bản chất sáng tạo vốn không có giới hạn”- ĐB Phạm Trọng Nhân chia sẻ từ điểm cầu Bình Dương.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân. Ảnh: quochoi.vn

Theo ông, hài hòa giữa quản lý nhà nước về hoạt động điện ảnh mà không gây ức chế sáng tạo, để người nghệ sỹ thăng hoa cảm xúc trước ranh giới mong manh giữa giá trị đạo đức truyền thống, văn hóa… phải là mục tiêu chính của dự luật. Từ quan điểm đấy mà đánh giá dự thảo thì thấy nhiều quy định trên giấy có nguy cơ trở thành vòng cương toả vô hình áp lên tư duy sáng tạo của người làm phim.

Cụ thể, trong 17 điểm quy định các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm, nhiều nội dung là khá mơ hồ. “Vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp, pháp luật” là khoản chưa cụ thể đầu tiên trong 17 điểm cấm của dự luật", ông Nhân dẫn chứng.

Rà soát Hiến pháp chỉ có 4 điều sử dụng từ khóa "nguyên tắc". Đó là “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (Điều 7), “tập trung dân chủ” (Điều 8), “tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng” (Điều 36), và “tranh tụng trong hoạt động xét xử được bảo đảm” (Điều 103).

“Hoạt động điện ảnh phải đảm bảo những nguyên tắc nào trong các nguyên tắc kể trên? Hoạt động điện ảnh có phải đảm bảo không vi phạm tất cả các nguyên tắc của các luật trong hệ thống pháp luật hay không bởi hầu như ở tất cả các luật đều có các điều khoản về nguyên tắc cơ bản?” - ông Nhân đặt câu hỏi.

Ngoài ra, như thế nào là “làm tổn tại đến các giá trị văn hóa”, “truyền bá tệ nạn xã hội”, “phá hoại truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội…” cũng cần phải được minh định nhằm tránh cảm tính, chủ quan của cơ quan có thẩm quyền khi cầm cân nảy mực trong các khâu xét duyệt.

Ông Nhân đặt vấn đề, phim ảnh ngoại nhập khẩu, công chiếu ở Việt Nam đang góp phần làm thay đổi lối sống của không ít thanh niên, chẳng hạn như sống thử trước hôn nhân. Vậy có làm tổn hại đến các giá trị và phá hoại truyền thống văn hóa không?

Đừng để cái bóng quá lớn của lề luật đè mãi tương lai điện ảnh Việt Nam

Trong phát biểu được chuẩn bị kỹ càng của mình, ĐB Phạm Trọng Nhân dẫn cách giới nghệ thuật ví von “hai cuộc đời”, “hai hộ chiếu” với những tác phẩm điện ảnh của nhà sản xuất thuần Việt, được giải thưởng nước ngoài nhưng bị cấm chiếu ngay tại sân nhà, với lý do vi phạm thuần phong mỹ tục hay phản ánh hiện thực quá đen tối, bi quan.

“Thử hỏi có nơi nào trên thế giới này chỉ toàn điều tốt đẹp mà không có những mặt trái của xã hội? Ngay cả New York, nơi được mệnh danh là trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới, cũng không khó để bắt gặp những người vô gia cư nằm co ro trên nền gạch sáng choang trước các cửa hàng sang trọng” - ông Nhân cho rằng điện ảnh Mỹ chưa bao giờ chối từ những cảnh quay ảnh này.

Đại biểu đến từ Bình Dương còn dẫn văn học Việt Nam những năm 30 – 45 của thế kỷ trước có ba dòng chủ lưu là hiện thực phê phán, lãng mạn và cách mạng cùng tồn tại để miêu tả toàn bộ cái hồn xã hội và cuộc sống của các tầng lớp nhân dân thời kỳ đó.

“Chí Phèo, lão Hạc hay chị Dậu dù được khắc họa đến tận cùng sự khắc nghiệt của hiện thực, có bi quan, có bạo lực nhưng có “làm tổn hại đến các giá trị văn hóa” hay không? Khi các tác phẩm trên vẫn nằm trang trọng trên các kệ sách như những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam thì những đánh giá đối với các tác phẩm điện ảnh thời gian qua liệu có quá cảm tính và khắt khe?”.

Nếu cần thiết phải khắt khe với chính người nhà thì phải trả lời cho được vì sao “Điệp vụ biển Đỏ” với thông điệp biển Đông là của Trung Quốc hay “Everest - Người tuyết bé nhỏ” với bản đồ “đường lưỡi bò” lại xuất hiện ở các rạp chiếu Việt Nam?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân 

Vị ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng dường như sợi dây kiểm duyệt đang bị kéo căng giữa nhà quản lý và người làm điện ảnh. Tiếng nói giữa hai chủ thể dường như chưa tìm được điểm tiệm cận mà hệ quả là một nền điện ảnh đến nay vẫn chưa thể rời xa vạch xuất phát, đánh mất đi cơ hội thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần của công chúng, hòa nhập sâu sắc văn hóa thế giới.

“Tâm trạng lo âu, thấp thỏm của các đạo diễn khi đi kiểm duyệt phim khiến công chúng mường tượng quang cảnh một phiên tòa, thiếu vắng bầu không khí cởi mở, chân tình giữa nhà quản lý và những người hoạt động điện ảnh…”- ông Nhân nêu cảm nhận và cho rằng việc căn ke tác phẩm điện ảnh vào đường biên của lề luật rất cần cả sự trân trọng và thận trọng bởi chỉ đủ tinh tế mới cảm nhận hết những xúc cảm của con người.

Cho rằng điện ảnh Việt Nam thật cần những cuộc thảo luận cởi mở, lắng nghe và thấu cảm, ông Nhân hy vọng “đừng để cái bóng quá lớn của những nguyên tắc lề luật đè mãi tương lai nền điện ảnh Việt Nam”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm