Lựa chọn tổn thương?

Khi kẻ ở người đi, mà kẻ ở người đi ở đây lại là những cô bé, cậu bé, chắc chắn không ít trong số đó lần đầu tiên được xa rời vòng tay của cha mẹ, người thân nhiều ngày như thế để bước vào một cuộc thi, mà có lúc nó là một cuộc đua đúng nghĩa.

Cuộc đua đúng như MC Jennifer Phạm nói trước mỗi tiết mục: “Và bây giờ trận đấu bắt đầu”. Đúng là một trận đấu, trận đấu mà đối thủ ở ngay cạnh, đối thủ đã từng ở chung một phòng, chia sẻ biết bao nhiêu câu chuyện ngây thơ tuổi mình.

Các em chưa đủ va đập với cuộc sống để có những tính toán cho riêng mình để “loại bỏ” đối thủ và bước tiếp. Đơn giản các em chỉ biết hát, có lúc là hét hết sức mình để giành lấy cảm tình trước tiên là của người thầy, sau nữa là của người nghe, trong đó hẳn là có cả người thân của mình.

Giống như những đội khác, ba thí sinh: Ngọc Anh, Minh Tài và Bích Hằng với liên khúc Bắc - Trung - Nam cũng chia tay trong nước mắt. Thí sinh được giám khảo Cẩm Ly lựa chọn để bước tiếp là Ngọc Anh, cô gái khiếm thị và đây cũng là chủ đề được bàn tán rất nhiều sau chương trình phát sóng kết thúc.

Nhiều ý kiến cho rằng giám khảo Cẩm Ly đã lựa chọn nghiêng về sự thương cảm hơn là chất lượng chuyên môn. Thực tế, trong những chương trình truyền hình kiểu này, không hiếm những thí sinh được vào vòng trong đơn giản đó là một yếu tố lạ, hấp dẫn và hứa hẹn thu hút khán giả.

Nếu quả thật Cẩm Ly lựa chọn Ngọc Anh vì tình thương thì có lẽ cô đã chính thức đặt cô bé khiếm thị này vào một tình thế nhiều đau thương hơn.

Một tờ báo mạng ngay sáng hôm sau đã gọi Ngọc Anh là “cô gái mù” ngay trong tít bài. Một tờ báo khác lại đặt cô bé đáng thương vào sự cân đo, đong đếm của chuyên môn và ngôn từ…

Cũng chẳng trách được truyền thông và độc giả, giám khảo có quyền đưa ra phán quyết của mình thì người xem cũng có quyền đưa ra những đánh giá cá nhân.

Rõ ràng, ai đúng ai sai chưa thể là một phép tính tìm ra ngay đáp án nhưng giả sử Ngọc Anh nghe được những gì người ta bàn tán về mình sau chương trình…, trái tim non nớt của cô gái chắc sẽ chịu nhiều tổn thương lắm.

Có lần trò chuyện với một người khuyết tật tham gia một cuộc thi, tôi hỏi em mong muốn gì ở cuộc thi này? Em trả lời: “Chỉ mong đừng ai thương hại em!”.

Có lẽ đối với những người khuyết tật, thương hại theo kiểu ban ơn cũng đau đớn như sỉ nhục họ vậy.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm