Thú chơi sách cũ: Định giá bao nhiêu là vừa?

Sáng 3-3, dưới cái nắng đổ lửa, độc giả vẫn đến với “Hội Sách cũ TP.HCM 2017” và Tọa đàm “Thú chơi sách cũ: định giá sách cũ như thế nào?”.

Gian hàng sách cũ Hà Thành đến từ Hà Nội.

Hội sách cũ diễn ra ở khu B Công viên 23-9, quận 1, TP.HCM. Chỉ mới vừa khai mạc, nhiều gian hàng còn chưa kịp làm dù hay mái che, nhiều gian hàng còn chưa kịp bày hết sách ra nhưng độc giả kéo đến ngày một đông bất chấp cái nắng như thiêu dội trên đầu. Các gian hàng càng lúc càng kín khách đủ mọi lứa tuổi, từ người giả cho đến những em sinh viên, học sinh. Vậy nên câu hỏi đầu tiên được đặt ra ở buổi tọa đàm là tại sao người ta lại thích sách cũ đến như vậy dù quyển sách đó từng được tái bản nhiều lần?

Mỗi quyển sách cũ đều ẩn chứa những ký ức và lịch sử

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho rằng mỗi người có lý do riêng để đến với thú chơi sách cũ. Như bản thân ông là người say mê lịch sử và văn hóa nên ông tìm đến với sách cũ để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là lịch sử - văn hóa – Nam bộ.

Tuy nhiên ông Tường nói có một điểm chung ở những quyển sách cũ mà nhiều người chơi chia sẻ: “Mỗi quyển sách cũ là một thân phận ẩn chứa một giai đoạn lịch sử của ngành sách và cả của đất nước. Như thời kỳ đầu tiên của ngành in ấn Việt Nam, sách được xuất bản bằng chữ rất thô sơ. Sách giai đoạn 1930-1945 giấy dó là chủ yếu vì kinh tế khó khăn, nhưng lại bền. Sách những giai đoạn sau giấy trắng, đẹp hơn…”.

Nhà báo Trần Nhật Vy  chia sẻ thêm: “Những cuốn sách cũ cũng giống như cuộc đời của chúng ta. Có những thứ bây giờ đổi mới rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn nhớ về kỷ niệm xa xưa nào đó, ở một nơi nào đó. Có những quyển sách được tái bản rất nhiều lần nhưng không phải là quyển sách đã từng được xuất bản trước đó, đã từng được ai đó trong chúng ta từng đọc trong ký ức”. Cùng quan điểm với nhà báo Trần Nhật Vy, một bạn đọc 7X trong tay cầm một số bản sách cũ mình vừa mua gật gù: “Tôi nhìn thấy những quyển sách này thì có cảm giác mừng rỡ như gặp lại những gì thân yêu thời thơ ấu của mình. Tôi mua chúng để mong đem lại cho con tôi những cảm xúc như tuổi thơ tôi đã có”.

Trong những chia sẻ về thú chơi sách cũ, nhà báo Trần Nhật Vy nói vui: “Ai cũng nên có một niềm đam mê nào đó. Đam mê sách cũ thì ít tốn kém, không sợ bị lừa hàng giả như chơi đồ cổ. Chơi sách cũ an toàn, lành mạnh hơn những thú vui khác. Mê sách cũ bất quá vợ rầy rà chút đỉnh”.

Định giá sách cũ như thế nào?

Từng có một thời  như thập niên 1980-1990, học sinh sinh viên mê sách thường tìm đến những tiệm sách cũ để mua sách giá rẻ. Thời đó những tiệm bán sách cũ cũng rất nhiều. Nhưng với thời đại internet hiện nay, các tiệm sách cũ trở nên hiếm dần.  Có nhiều bạn đọc đã nói rằng sách cũ bây giờ bán mắc quá. Vậy định giá một quyển sách cũ như thế nào? Đó là điều nhiều độc giả quan tâm và cuộc tọa đàm cũng bàn đến. 

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho rằng có những loại sách không quý người ta bán xôn giá rẻ, giảm giá bìa rất nhiều. Xong có những loại sách cũ thật sự là sách quý thì giá sẽ rất cao. Ông lưu ý đến loại sách ấn bản giới hạn, có đánh số, có chữ ký của tác giả được nhà xuất bản dành riêng cho tác giả hay những khách hàng đặc biệt. Ông kể thời trước 1975, có những hiệu thuốc lớn ở miền tây sử dụng những quyển sách có chữ ký của cụ Vương Hồng Sển như một quà tặng đặc biệt, đáng giá dành cho những khách hàng lớn.

Nhà báo Lê Minh Quốc bảo rằng có những bản sách cũ có cho mình cũng không lấy, nhưng sẽ có những bản sách cũ là vô giá dựa vào một số yếu tố. Quyển sách đó là bản hiếm ít người có, bản độc bản không ai có, bản xưa rất xưa. Ngoài ra quyển sách cũ còn giá trị dựa vào tên tác giả và giá trị tác phẩm. Nhà báo Lê Minh Quốc nói rằng không phải người bán sách cũ hay người mua sách cũ nào cũng biết giá trị thật sự của quyển sách. Muốn biết cả người bán và người mua đều phải nghiên cứu, học hỏi.

“Một người chơi sách cũ chân chính là người không độc chiếm những bản sách quý hiếm, chỉ chịu bán nó với giá rất cao. Mà đó phải là người sẵn sáng chia sẻ những bản photo bản chính với giá vừa túi tiền cho những người thật sự cần đến nguồn tài liệu đó như những nhà nghiên cứu”, nhà báo Lê Minh Quốc nói. 

Nhà báo Lê Minh Quốc kể câu chuyện về một người Pháp và một nhà nghiên cứu trong nước đã đấu giá quyết liệt với nhau để dành một quyển sách cũ độc bản về lịch sử trăm năm của Khánh Hòa – Nha Trang. Cuối cùng người Pháp thắng và đem quyển sách đó về nước. Về sau nhà nghiên cứu Việt Nam gửi sang Pháp một lá thư trình bày mình rất cần quyển sách ấy để nghiên cứu, mong được chia sẻ một bản photo. Không ngờ người Pháp kia đã gửi về Việt Nam một bản photo quyển sách quý ông đã sở hữu thật. Hiện những bản sách về lịch sử Nha Trang hiện nay xuất phát từ bản photo của người Pháp hào phóng kia.

Nhà báo Trần Nhật Vy thì cho rằng mua được một quyển sách cũ đúng loại mình thích, mình cần với cái giá vừa túi tiền là một định giá hợp lý nhất. Nhà báo Lê Minh Quốc nói thêm :”Giá trị một quyển sách cũ phụ thuộc vào cả người bán và người mua. Không chỉ người bán thấy quí, giá trị mà người mua thấy quí, giá trị cũng góp phần làm nên giá trị quyển sách”.

Những hình ảnh tại Hội Sách cũ TP.HCM 2017:

Trưng bày tranh tết miền Bắc thập niên 1950.

Sách cũ tại hội sách.

Những quyển sách thiếu nhi thập niên 1980-1990: Lớn lên trên đảo vắng, chú bé có tài mở khóa.... 

Từ trái qua, nhà báo Trần Nhật Vy, nhà báo Lê Minh quốc, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Trường và nhà văn Trần Nhã Thụy tại Toạ đàm Thú chơi sách: Định giá sách cũ như thế nào.

Khách đến Hội sách cũ càng lúc càng đông.

Đủ mọi lứa tuổi tìm đến sách cũ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm