Người 'chữa bệnh' cho sách cũ ở Sài Gòn

Ông Rạng là một người đàn ông đơn thân, hiện sống cùng anh em trong một căn nhà nhỏ trên đường Lý Chính Thắng (Quận 3, TP HCM). Trận sốt bại liệt ập đến vào năm 3 tuổi khiến hai chân ông bị tật, đi lại rất khó khăn.

Ông kể về cái duyên đến với nghề.  Năm 1978, học hết phổ thông, ông đến học nghề đóng sách tại nhà Bà Hai Công Lý- người nối nghiệp ông Nguyễn Văn Châu (người đóng sách cũ đầu tiên tại Sài Gòn).

Đều đặn mỗi ngày, ông Rạng bắt đầu công việc của mình từ 8 giờ sáng. Cứ ngồi vào bàn là ông lại miệt mài với từng công đoạn để “chữa bệnh” cho từng cuốn sách. Chiếc bàn gỗ chắn ngang cửa ra vào, trên bàn ngổn ngang những chồng sách cũ với đủ loại “bệnh”.

Có tận mắt nhìn thấy ông tỉ mẩn dùng kéo cắt từng đường chỉ, tháo rời từng trang rồi xếp chúng lại theo thứ tự, cắt từng miếng keo nhỏ để dán lại những trang sách bị mối mọt ăn mới cảm nhận hết tình yêu, sự say mê với sách của ông.

“Nhìn cuốn sách bị bung chỉ, rách bươm hay bị mối mọt ăn thấy xót lắm. Tội nghiệp cuốn sách, uổng lắm. Phải tôn trọng sách, làm lại để trông cho vừa mắt mình, tinh tươm, gọn gàng thì mới yên lòng được”-ông nói.
của ông cứ thoăn thoắt lướt trên những mảnh bìa và mặt giấy

Với ông, công việc này như là một phần trách nhiệm mà ông luôn ý thức để giữ gìn cho người mê sách những giá trị về tinh thần theo thời gian.

Cả cuộc đời gắn bó với sách, mỗi ngày đều ngửi mùi sách cũ, ông cảm thấy gắn bó, không thể rời xa nghề. “Sáng mở mắt ra là đã dính chặt vào nó, ngày nào mà không ngửi thấy cái mùi này là thấy thiếu thiếu, nhớ lắm đó”, ông Rạng tếu táo.

Những trang giấy cũ đã bị bào mòn bởi thời gian, phải tỉ mỉ và khéo léo, nâng niu lắm mới có thể làm cho nó vẹn nguyên trở lại. “Có những cuốn sách mà ở trang đầu tiên có lời đề tặng rất dễ thương. Còn có những cuốn sách có chính chữ kí của tác giả nữa nên càng quý. Cũng nhờ vậy mà tôi đã nhìn thấy chữ kí của Tô Hoài, Thạch Lam, Nhất Linh, Vương Hồng Sến... trên một vài cuốn sách. Giúp khách hàng lưu lại những kỉ niệm đẹp là công việc của người đóng sách”, ông tâm sự.

Gần 40 năm làm nghề, việc tiếp xúc với những loại giấy ố vàng, cũ kĩ, với hồ dán… khiến đầu ngón tay ông bị chai dần và thường đau nhức khi trái gió trở trời. Đặc biệt, có những cuốn sách được đóng bằng đinh, mỗi lần tháo tay ông lại đau thêm.

Theo ông Rạng, có hai cách để đóng lại sách là sửa lại nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng hoặc đóng lớp bìa mới, cắt xén thật tinh tươm. “Đa số khách đều muốn giữ nguyên hiện trạng để bảo tồn giá trị của cuốn sách. Làm lại bìa thì giữ được lâu hơn nhưng sẽ khác xa so với bản gốc và làm giảm giá trị cuốn sách”- ông Rạng chia sẻ.

Bạn bè cùng thời đóng sách với ông Rạng nhiều người đã vào làm trong các công ty xuất bản sách. Nhiều lần được rủ vào làm chung nhưng ông đều từ chối. Trên hết, ông muốn lưu lại nét văn hóa cổ của người Sài Gòn xưa nên cứ miệt mài với việc đóng sách thủ công.

Ngày qua tháng lại, người quan tâm đến sách cũ cũng chẳng còn mấy ai. Những tác phẩm kinh điển sẽ được tái bản, nhiều tác phẩm mới ra đời nhưng sẽ có người như ông Rạng, vẫn tìm và giữ lại giá trị đẹp đẽ của tri thức và cảm xúc xưa cũ theo thời gian trong từng trang sách úa màu. 

Ông Rạng xem lại từng trang sách để chuẩn bị tháo đường chỉ

Những cuốn sách được ông Rạng "chữa bệnh" hầu hết là những cuốn sách cũ từ rất nhiều năm về trước mà người chơi sách muốn giữ lại

Dụng cụ hành nghề của ông có phần “cổ lỗ sĩ”, chỉ vỏn vẹn cái dao rọc giấy, mảnh bìa cứng, kéo, hồ, kim chỉ cùng với một cái máy cắt giấy đã cao tuổi

Chỉ dùng những dụng cụ thô sơ, không biết bao nhiêu cuốn sách đã được ông trị bệnh kịp thời để đưa đến tay người yêu sách

Dù đôi chân di chuyển khó khăn nhưng ông vẫn không chịu ngồi yên , luôn đứng lên, ngồi xuống cân chỉnh từng mm

Dùng kéo cắt dọc mép bìa để tăng tính thẩm mĩ cho cuốn sách. Từng động tác

Sau khi chuẩn bị xong bìa sách, ông đặt cuốn sách vào chính giữa, canh đều hai bên, trên dưới để tạo sự cân bằng

Xoay người để canh và sửa từng đường gấp. Dùng sức của đôi tay để giữa cố định nếp gấp thật chắc chắn

 

Những lời đề tặng trên cuốn sách như vậy luôn khiến ông Rạng càng trân trọng dù thời gian đã bào mòn cuốn sách không thương tiếc

Những cuốn sách được ông “chữa bệnh” hầu hết là những đầu sách cũ, quý hiếm, xuất bản từ năm 1930 đến năm 1980

Mỗi khi làm xong, ông cứ xem đi xem lại coi thử đã chắc chắn hay chưa. Ông quan niệm, người ta yêu sách thì mình phải giúp họ lưu giữ được cuốn sách trên kệ, đó mới là hạnh phúc của ông

 Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại có cơ hội đọc "ké" sách của khách hàng

Những cuốn sách xuất bản từ năm 1930 đến 1980 đều được ông Rạng tân trang, làm đẹp 

Công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn và cẩn thật, chăm chút cho từng công đoạn nên dù nhiều lần muốn tìm người làm cùng, ông vẫn chưa tìm được ai có cùng đam mê và sở thích như mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm