Truyền hình nhí ảnh hưởng khán giả nhí

Năm ngoái, có hai chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng trẻ em là Đồ rê míGiọng hát Việt nhí (The Voice Kids) thì năm nay dự kiến tràn màn ảnh là những cuộc tìm kiếm tài năng ở đối tượng này.

Hút khán giả!

Ngoài Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí, sắp tới sóng truyền hình còn có: Thử thách cùng bước nhảy nhí (có thể mang tên Vũ điệu tuổi xanh), Bước nhảy hoàn vũ nhí và dự kiến năm nay chương trình Masterchef (Vua đầu bếp) cũng sẽ có phiên bản nhí - Masterchef Junior.

Các chương trình này hầu hết đã khởi động hoặc hoàn thành vòng sơ tuyển để chuẩn bị cho mùa lên sóng vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới: Đồ rê mí (hạn cuối nhận hồ sơ ngày 2-5), Giọng hát Việt nhí (kết thúc vòng sơ tuyển vào ngày 5-5), Thử thách cùng bước nhảy nhí (đã sơ tuyển vào ngày 13-4), Bước nhảy hoàn vũ nhí (kết thúc sơ tuyển 4-5). Bên cạnh đó, chương trình truyền hình thực tế pha gameshow dành cho trẻ em hiện nay có mặt nhiều trên sóng truyền hình: Ước mơ của em, Chung sức nhí, Con đã lớn khôn…

Truyền hình nhí ảnh hưởng khán giả nhí ảnh 1
 
Sau mùa một với hình ảnh Phương Mỹ Chi thành đạt, ở vòng sơ tuyển Giọng hát Việt nhí mùa hai, nhiều thí sinh chọn phong cách Phương Mỹ Chi. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Nhiều người thắc mắc tại sao lại cứ đem con nít ra tổ chức hết cuộc thi này đến cuộc thi kia? Câu trả lời đơn giản nhất: Bởi khán giả đã chán xem chương trình người lớn. Nhà tổ chức cũng khó tìm thêm được tài năng người lớn khi có quá nhiều chương trình tìm kiếm tài năng. Tỉ lệ rating (tỉ lệ khán giả xem chương trình) của các chương trình tìm kiếm tài năng dành cho người lớn như Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Tuyệt đỉnh tranh tài… đều không thể cao hơn Giọng hát Việt nhí năm ngoái.

Một nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em từng chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: “Dư luận khoan hãy ném đá cho rằng chương trình bóc lột trẻ em, kinh doanh từ trẻ em mà hãy thẳng thắn nhìn nhận, chính phụ huynh cũng muốn chúng tôi tạo ra sân chơi để mong sau chương trình khi có danh hiệu, các em có thể đi hát kiếm tiền trang trải cho gia đình”. Và chí ít nhà sản xuất này đã đúng bởi sau các chương trình, những quán quân, á quân như Quang Anh, Phương Mỹ Chi (của Giọng hát Việt nhí) hay cặp đôi nhảy Đăng Quân - Bảo Ngọc (quán quân chương trình Vietnam’s Got Talent 2011) đã có cuộc sống không còn bình thường nữa. Không chỉ đi học, đến trường và được nuôi dưỡng tài năng đúng nghĩa như bao trẻ em cùng trang lứa khác, các em đã kín lịch biểu diễn để kiếm tiền.

 
Đông đảo phụ huynh, thí sinh ngồi chờ đợi để sơ tuyển Bước nhảy hoàn vũ nhí tại Hà Nội. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Từ khán giả thành thí sinh

Mặc cho nhiều bài viết, nhiều chuyên gia tâm lý can ngăn phụ huynh, thí sinh hãy tỉnh táo thì vẫn khó ngăn được nỗi đam mê của trẻ em, của phụ huynh trước một cuộc chơi. Khi thấy các bạn cùng trang lứa có tài năng cỡ như mình lại được lên tivi, có giải thưởng rồi sau đó kiếm được tiền cho gia đình, ắt hẳn khán giả nhí nào cũng mê. Từ việc xem nhiều, mê lên sân khấu sẽ dẫn đến việc trẻ bị mang tâm lý mình cũng không thua kém gì các bạn đang thi. Điều này khiến cuộc sống bình thường của trẻ bị ảnh hưởng.

Trẻ xem rồi mê chương trình có thể chứng minh ngay bằng con số thực tế. Chẳng hạn, sức hút của Giọng hát Việt nhí mùa một, khi vòng sơ tuyển mùa hai, con số thực tế đăng ký chương trình này là hơn 1.000 hồ sơ. Con số tăng cao do nhiều khán giả của mùa một Giọng hát Việt nhí đã quyết trở thành thí sinh nhí của mùa hai. Ngay trong các thí sinh mùa hai tham dự sơ tuyển, không ít thí sinh đã hát và chọn phong cách biểu diễn giống á quân mùa một Phương Mỹ Chi.

Ca hát, thể hiện tài năng ngoài đời thực hay trên sân khấu của con trẻ đều đáng quý. Thế nhưng bao nhiêu đứa trẻ khi tham gia cuộc chơi truyền hình thấy được chuyện hậu trường với những tính toán chi li của phụ huynh, là chuyện sắp xếp giải thưởng, là bỏ học ngày đêm theo chương trình... khi mà qua sóng truyền hình, sân chơi nào cũng lung linh, công bằng?

QUỲNH TRANG

 

Trẻ em không được bảo vệ trong môi trường truyền hình

Hiện tại chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em đã bùng nổ nhưng những căn cứ pháp lý để bảo vệ cho trẻ em trong môi trường truyền hình của chúng ta hiện nay chưa thật chặt. Hầu hết những lùm xùm trong cuộc thi như bắt trẻ tập quá sức, không đảm bảo dinh dưỡng lẫn những dư luận ném đá xung quanh một đứa trẻ khiến đứa trẻ bị bêu xấu qua các trang mạng, trẻ bị tổn thương…; kinh doanh trẻ trong và sau cuộc thi… vẫn chưa có luật nào bảo vệ.

Năm ngoái, trường hợp quán quân Quang Anh của chương trình Giọng hát Việt nhí sau khi đăng quang với nghi án ban tổ chức dàn xếp kết quả, hình ảnh em liên tục bị lồng ghép, chế giễu lan tràn trên các trang mạng, mạng xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm