Ngoài nguyên nhân khách quan là tình trạng quá tải, việc mất trật tự vệ sinh ở bệnh viện còn có phần do người nuôi bệnh thiếu ý thức vệ sinh chung, không chấp hành nội quy bệnh viện…
Đụng đâu cũng xả, cũng nằm
BV Ung bướu TP.HCM có diện tích nhỏ nhất hiện nay so với các bệnh viện cùng tuyến, lượng bệnh nhân đổ về thì không thua kém bệnh viện nào. Khoảng 60% bệnh nhân là ở các tỉnh nên mỗi người bệnh có đến hai, ba người thân đi theo, việc giữ vệ sinh, môi trường chung là rất khó. Ở đâu đó chỗ này, chỗ kia cũng có bệnh nhân, thân nhân lén lút hút thuốc, khạc nhổ, tiểu tiện.
Đau đầu nhất là tình trạng thân nhân bệnh nhân vứt rác vô tội vạ. Giám đốc BV Ung bướu Lê Hoàng Minh dẫn chúng tôi lên lầu một, chỉ ra mái hiên khu khoa Nội-Nhi, bảo: Phóng viên nhìn kìa, rất dơ bẩn, mặc dù bệnh viện đã kê thùng rác trong các phòng và yêu cầu thân nhân và bệnh nhân không được vứt rác ra cửa sổ, thế mà sau khi dọn xong thì đâu lại vào đấy.
Tại BV Chợ Rẫy, lượng bệnh nhân đến khám và nội trú lên đến hàng ngàn đã xảy ra nhiều vấn đề khó kiểm soát như móc túi, hút thuốc bừa bãi. Trong BV Chợ Rẫy, chỗ nào cũng thấy biển cấm hút thuốc và có khu vực dành riêng cho người hút thuốc, bảo vệ luôn chạy lòng vòng nhắc nhở, thậm chí là lập biên bản, bắt cam kết không tái phạm và đuổi ra ngoài, tuy nhiên sau đó đâu lại vào đấy, ở các hành lang, các phòng bệnh lúc nào cũng có người hút thuốc. Tại nhà vệ sinh công cộng gần khoa Cấp cứu bệnh viện này, nhiều ngày vòi nước chảy vô tư mà chẳng ai buồn để ý đóng lại.
Bệnh nhân trên lầu vứt rác xuống mái hiên tại BV Ung bướu. Ảnh: DUY TÍNH
Bên ngoài bệnh viện, đặc biệt là ở các cổng ra vào, tình hình cũng chẳng khá hơn. BV Ung bướu, Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, 2, Nhân dân 115… đội quân bán hàng rong lúc nào cũng thường trực trước cổng. Đồ ăn dư thừa, rác ôi thiu đổ nghẹt miệng cống. Vách tường, gốc cây xung quanh bệnh viện cũng là nơi lý tưởng cho xe ôm, người đi đường, bệnh nhân và thân nhân tiểu tiện.
Vấn đề mất mỹ quan cũng không kém tại các bệnh viện là thân nhân bệnh nhân đụng đâu cũng ngồi, nằm. Nằm từ ngoài sân vào trong hành lang, cầu thang, thậm chí là lan can, cổng chính của bệnh viện. Quý ông thì mặc quần xà lỏn, không mặc áo, nằm phè giữa lối đi. Không những nằm ngủ, nhiều cặp còn “mặn nồng” như chốn không người.
Mẹ con đòi nợ trong phòng bệnh
Tại phòng Săn sóc đặc biệt, khoa Tim mạch, BV Đại học Y dược (đây là phòng hạn chế ra vô kể cả thân nhân bệnh nhân), một cụ bà nằm thở máy, xung quanh có đến ba người con gái luôn nói những chuyện gia đình thật rôm rả như ở nhà mình.
“Mẹ ơi, con cho mẹ 200.000 đồng nè!” - một cô con gái nói to như để khoe với mọi người xung quanh biết mình là người con hiếu thảo. Bà cụ đang nằm cố gượng dậy gỡ chụp mũi trợ thở, cố gắng hết sức cãi: “Mẹ mày! Tao cho mày mượn 5 triệu đồng mà chỉ trả có 200.000 đồng mà bày đặt bảo cho là sao!”. Cô con gái đang cười bỗng sượng người.
Nhiều lúc giữa đêm khuya, có người nuôi bệnh nào đưa ra một đề tài hấp dẫn như chuyện gia đình, chuyện “nóng” xã hội là các thân nhân bệnh nhân khác hưởng ứng rất sôi nổi. Phòng bệnh biến thành một cuộc hội thảo xôm tụ, không ai nhớ tới chuyện người thân cần yên tĩnh nghỉ ngơi. Một lần, tại BV Bệnh nhiệt đới, khi biết một thanh niên ăn ốc ma bị chết, các thân nhân bệnh nhân bắt đầu tụ lại bình luận. Người thì bảo rằng người thanh niên kia ngu, người khác thì bảo do ăn không chín, người khác lại nói mình ăn hoài có sao đâu…
Nằm ngủ như giữa chốn không người. Ảnh chụp tại BV Điều dưỡng-Phục hồi chức năng và các bệnh nghề nghiệp. Ảnh: DUY TÍNH
Cấm thì không được
Một thực trạng rắc rối khác là việc ăn uống, sinh hoạt của người nuôi bệnh. Thạc sĩ-bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho rằng: “Trong điều kiện người dân còn nghèo, nấu ăn tại nhà mang vào bệnh viện ăn uống thì bệnh viện cũng đồng ý. Tuy nhiên, có nhiều người đổ cơm vào lavabo, cầu tiêu gây nghẹt. Có người vô tư cầm hộp cơm quăng ra giữa sân. Nếu bệnh viện cấm mang đồ ăn vào thì sẽ gặp phản ứng từ phía bệnh nhân…”. “Nhiều người ý thức quá kém còn đổ phân vào cả lavabo rửa tay, rửa mặt” - bác sĩ Lê Hoàng Minh nói.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thượng, cũng phải nói rằng kêu gọi mọi người bỏ rác vào thùng nhưng chỉ có vài ba cái thùng rác đầy ắp thì làm sao bỏ được. Kêu gọi rửa tay chống nhiễm khuẩn nhưng thiếu lavabo thì làm sao đủ hết cho bệnh nhân xài. “Chúng ta đã tuyên truyền nhiều rồi, đến lúc cấn phải có chế tài các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường trong và xung quanh bệnh viện. Bởi ý thức phải song song với biện pháp chế tài. Chúng tôi sẽ làm việc với địa phương làm quyết liệt về vi phạm vệ sinh môi trường trong bệnh viện” - bác sĩ Thượng cho biết thêm.
Rượt điều dưỡng, bác sĩ Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới, cho biết tại khoa Điều trị bệnh nhân HIV của bệnh viện, nhiều bác sĩ, điều dưỡng đã bị bệnh nhân rượt trối chết. Cứ mỗi lần lên cơn nghiện thèm thuốc là bệnh nhân gây sự, la hét… hù dọa đánh người xung quanh, không cho bác sĩ lấy máu. Tại phòng khám, nhiều phụ huynh say xỉn chở con đi khám bệnh, khai lung tung, gây gổ với bác sĩ. Nhiều người sau khi được kê toa thuốc, quay qua quay lại mất tiêu, chạy lại nói bác sĩ chưa ra toa. Thậm chí có người mua thuốc rồi bỏ mất cũng lại mắng vốn là chưa nhận thuốc. Vi phạm vệ sinh trong bệnh viện có thể bị phạt Hiện TP.HCM có trên 100 bệnh viện lớn nhỏ. Bình quân mỗi ngày các bệnh viện có khoảng 2.000 lượt người ra vào, bệnh viện lớn có khi là 15.000 người nên vấn đề đảm bảo vệ sinh là hết sức khó khăn. Do đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh, văn minh trong bệnh viện phải được xuất phát từ hai phía bệnh viện và bệnh nhân, thân nhân. Bệnh viện, phải tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân, thân nhân và người vào thăm. Các bệnh viện tổ chức được nơi vệ sinh cá nhân, căng tin, nơi bán vật dụng cần thiết đúng giá để bệnh nhân yên tâm. Tổ chức nơi hướng dẫn thông tin khám, điều trị. Bảo đảm môi trường phòng bệnh sạch, tránh tình trạng lây bệnh cho nhau. Bệnh viện phải tổ chức được các thùng rác và nhân công thường xuyên lau dọn. Cuối cùng, bệnh viện tạo điều kiện cho bệnh nhân và thân nhân chỗ giữ, đậu xe, tránh gây phiền hà như gửi xe ở xa, bị lấy giá cao… Về phía bệnh nhân và thân nhân, mỗi người phải tự ý thức chung, bảo vệ tài sản công. Thí dụ không rửa rau, bỏ rác vào lavabo rửa tay, khi người khác sử dụng họ sẽ rất khó chịu. Đừng vứt rác ra ngoài khi bên cạnh có thùng rác. Nếu ăn ở mất vệ sinh, bệnh viện sẽ là ổ lây bệnh. Để người bệnh có ý thức, bệnh viện phải tuyên truyền bằng loa phóng thanh. Khi ý thức người bệnh đã có, chúng ta sẽ bước tiếp bước thứ hai là tất cả bệnh viện đồng loạt nghiêm khắc xử lý về vi phạm vệ sinh môi trường bệnh viện. Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM |
DUY TÍNH