Tuy nhiên, trong thực tế những bệnh viện tư, bệnh viện cao cấp lại phát sinh những biểu hiện trớ trêu do thừa tiền. Chúng tôi sẽ có loạt bài về tình trạng thiếu văn minh, thân thiện của các bệnh viện như: tivi hành người bệnh, muốn nuôi bệnh phải thuê cò, đóng phí cao nhưng vẫn phải lót tay cho dịch vụ…
1 . Mặc dù hơn 12 giờ trưa nhưng tivi vẫn mở. Hai bệnh nhân nằm rũ rượi, mắt nhắm nghiền vẫn bị tivi tra tấn.
2 . Bệnh nhân không thể tự ăn uống, có người đút cơm vẫn phải nghe và xem tivi.
3 . Ông cụ thở oxy nhưng nằm không đủ hơi, phải ngồi dậy thở dốc nhưng vẫn không thoát được tivi.
4 . Tại phòng cấp cứu của khoa Tim mạch bệnh nhân thở ôxy, dùng máy trợ tim, hôn mê vẫn có tivi, nhiều lúc tivi vẫn được mở ầm ĩ như các phòng bệnh khác.
Hiện nay gần như một trào lưu, tại các khoa dịch vụ của bệnh viện hoặc các bệnh viện tư, bệnh viện đắt tiền”, các phòng bệnh đều được trang bị phương tiện sang trọng là tủ lạnh, tivi. Tại BV Đại học Y dược, phòng bệnh nào cũng có tivi, ngay cả phòng Săn sóc đặc biệt của khoa Tim mạch (phòng 31). Phòng này hầu hết bệnh nhân đều phải thở oxy, gắn máy đo nhịp tim, đều đang trong tình trạng nguy kịch nhưng tivi vẫn mở lớn. Khi chúng tôi sẽ sàng đề nghị tắt để người bệnh nghỉ ngơi thì bị nhiều người phản ứng. “Đang nghe Lệ Thủy ca. Dễ dầu gì có Phượng Liên, Lệ Thủy”. Nội quy bệnh viện có ghi không được xem truyền hình từ 12 giờ đến 14 giờ và từ 22 giờ đến 6 giờ. Thế nhưng tivi ở nhiều phòng vẫn được bật thoải mái vào các giờ này. Tại phòng 221 khoa Phổi, dù có bốn, năm bệnh nhân đang thở không ra hơi nhưng gần nửa đêm, một nhóm người thân vẫn xôn xao xem truyền hình trực tiếp bóng đá. Lâu lâu họ còn thét rộ lên “vô, vô”.
Những sinh hoạt phản cảm trên đang diễn ra mỗi ngày. Phóng sự ảnh được thực hiện tại BV Đại học Y dược TP.HCM.
Ngay người khỏe, truyền hình cũng gây mất ngủ, béo phì Ở những phòng bệnh chung, việc đặt truyền hình cũng gây ra nhiều phản ứng từ phía người bệnh và thân nhân vì phần lớn truyền hình là cho thân nhân bệnh nhân xem, còn người bệnh thì đã quá mệt mỏi vì bệnh tật của mình rồi còn hơi sức đâu mà xem truyền hình nữa! Thêm vào đó ở những phòng bệnh chung, đông người sẽ có người thích xem truyền hình, người không thích xem sẽ là một vấn nạn gây mất đoàn kết. Có nên chăng chỉ trang bị truyền hình cho những phòng riêng chỉ có một bệnh nhân nằm. Việc gắn truyền hình trong phòng bệnh, truyền hình sẽ phát ra sóng điện từ dù nhiều hay ít cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ của bệnh nhân, những người rất dễ nhạy cảm với sự thay đổi của từ trường. Ngay cả với người khỏe mạnh, việc đặt truyền hình trong phòng ngủ cũng dễ gây mất ngủ và béo phì. PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, BV Đại học Y dược TP.HCM |
DUY TÍNH
Kỳ tới: Cò nuôi bệnh