Quá tải vì lượng người bệnh đông chỉ là một nguyên nhân. Thực tế cho thấy chính thủ tục hành chính rườm rà, không thống nhất, thiếu khoa học làm tăng thêm sự quá tải là gánh nặng với người nuôi bệnh. Thực tế hiện nay, mỗi người nhập viện phải có tối thiểu hai người chăm sóc.
1.001 cái khổ vì thủ tục!
Ngày 9-3, tại BV Ung bướu, bà Hồ Thị Giã (Bình Thuận) đang điều trị ung thư vú, đã đóng 500.000 đồng nhưng phải nằm gầm cầu thang. Lần đầu đưa thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bệnh viện không chịu vì tên bà là Giã nhưng thẻ ghi là Giả. Hai mẹ con bà trở về Bình Thuận để xác nhận cái dấu hỏi ngã, rồi trở lại bệnh viện. “Đã 10 ngày qua, cứ mỗi ngày bệnh viện cho làm một xét nghiệm. Giờ nằm đây chờ mà không biết chờ đến khi nào, ra thuê phòng trọ bên ngoài thì không đủ tiền, về quê thì đi lại rất tốn kém” - bà Giã nói.
Mới 5 giờ sáng ngày 10-3, tại khoa Cấp cứu BV Chấn thương Chỉnh hình, hàng trăm người bệnh và thân nhân đã tụ về để đăng ký khám. Trong một góc tối, anh LVL (45 tuổi, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) nằm trên băng ca bất động. Người nhà cho biết anh bị tai nạn giao thông gãy quai hàm, gãy đốt sống cổ… nên chuyển vào BV tỉnh Bình Dương, sau đó chuyển đến BV Chợ Rẫy nằm 10 ngày chỉ để… truyền nước biển. BV Chợ Rẫy chuyển anh qua BV Răng Hàm Mặt để cố định quai hàm. Ngày 9-3, anh được chuyển qua BV Chấn thương Chỉnh hình để mổ cột sống cổ. Gia đình anh L. xin nhập viện Chấn thương Chỉnh hình điều trị vì chạy lòng vòng đã quá mệt. Bác sĩ bảo thiếu thủ tục, đòi phải có chụp CT. Gia đình đưa anh L. qua Trung tâm Hòa Hảo để chụp CT và ở đây hẹn đến 9 giờ sáng ngày 10-3 mới có kết quả. Cả ngày 9 đến tận 12 giờ ngày 10, anh mới được làm thủ tục nhập viện. Vợ anh L. than: “Nếu không có đứa em trai đi theo, một mình tôi chắc đã xỉu”.
Người nuôi bệnh mệt mỏi vì chờ đợi các thủ tục rối rắm nhiêu khê. Ảnh: DUY TÍNH
Thu tiền nhiều lần là giảm khó cho bệnh nhân
Chị NTNY (quận Gò Vấp) đang nuôi chồng mổ tại BV 115 cho biết cứ có xét nghiệm, có phẫu thuật là phải đóng tiền, khi thì 3 triệu đồng, khi thì 2 triệu đồng…, phải chạy lên chạy xuống như đèn cù trong khi mình chị phải trông nom chồng, đồ đạc.
Lúc 7 giờ sáng ngày 10-3, tại BV Chợ Rẫy, ông TCT (Long An) đóng tiền cấp cứu tai nạn giao thông cho con. Ông già bị cô thu tiền quát: Máy CT hư rồi, khi nào sửa xong mới đóng tiền chụp. Ông T. hỏi vậy khi nào xong. Cô nhân viên này đốp chát: Qua bên đó mà hỏi, ở đây sao biết được!
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, giải thích: “Bệnh viện cũng muốn thu một lần cho khỏe, tuy nhiên phần lớn bệnh nhân rất nghèo, việc tạm ứng nhiều lần là giải pháp để bệnh nhân chuẩn bị”.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Chợ Rẫy cho rằng việc tạm ứng cũng là giải pháp giữ tiền cho bệnh nhân điều trị, vì nhiều bệnh nhân giữ tiền trong người bị mất. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị ổn định đã trốn viện phí bỏ đi, gây thất thoát cho bệnh viện. Trong tuần tới, BV Chợ Rẫy xóa sổ sổ khám bệnh. Mỗi bệnh nhân được cấp một mã số đến đóng tiền một lần tại tài vụ, sau đó cầm mã số đi khám bệnh, xét nghiệm, lấy thuốc… mà không hề đụng đến tờ giấy nào.
Rườm rà nhất là BHYT
Mặc dù đã cải cách rất nhiều, nhưng thủ tục BHYT vẫn còn gây rất nhiều phiền hà cho người bệnh.
Điển hình là bệnh nhân KH, đang điều trị chống thải ghép thận tại BV Chợ Rẫy. Là bác sĩ về hưu và tham gia BHYT liên tục trên 36 tháng, bà H. được BHYT chi trả 50% chi phí tiền thuốc. Tuy nhiên, nhân viên giám định BHYT đòi phải có xác nhận. Bà H. về Hà Nội xin xác nhận thì nơi đây nói không cần. Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng nói không cần xác nhận. Tuy nhiên, tổ Giám định BHYT tại bệnh viện một mực bảo cần xác nhận. Bà H. bức xúc phản ánh lên lãnh đạo BV Chợ rẫy, Bảo hiểm xã hội TP.HCM lại trả lời là cần xác nhận. Rất may, bà H. còn giữ thẻ cũ được mua từ năm 2007 cộng với thẻ mới có thời hạn trên ba năm nên được thanh toán chi phí mà không cần xác nhận.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh cho rằng muốn hưởng kỹ thuật cao, bệnh nhân phải có xác nhận tham gia liên tục từ 36 tháng trở lên hoặc kèm theo thẻ cũ. Tuy nhiên, BHXH lại không thông báo việc giữ thẻ cũ nên nhiều người thấy thẻ hết hạn đã vứt bỏ, khi nhập viện phải chạy tới chạy lui xác nhận.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt cho rằng Bảo hiểm xã hội thì luôn kêu giảm thủ tục hành chính nhưng khi quyết toán đòi phải có đủ ba giấy: Phiếu đề nghị thanh toán, toa thuốc bác sĩ và giấy chuyển viện. Trong khi đó, trong giấy đề nghị thanh toán đã liệt kê thuốc, hàm lượng, số lượng rồi thì cần gì đến toa thuốc nữa.
Công nghệ lạc hậu: rườm rà mà vẫn hở Bác sĩ Phạm Thanh Việt cho biết đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh mãn tính “tái khám” liên tục và khám ở nhiều bệnh viện nhằm lấy thuốc để bán. Hiện BHYT không áp dụng công nghệ thông tin, lượng bệnh nhân đến khám mỗi ngày từ 2-3 ngàn người nên không quản xuể. Nếu quản lý bằng công nghệ thông tin, một thẻ BHYT được gắn một con chíp theo dõi bệnh nhân, khi bệnh nhân khám thì bác sĩ sẽ biết bệnh nhân này đã khám ở đâu, lấy thuốc gì thì sẽ “bắt” được liền. Khi người bệnh, người nhà người bệnh và khách đến phòng khám, thầy thuốc và nhân viên khoa khám bệnh cần phải: a) Chủ động tiếp đón với thái độ niềm nở và sẵn sàng giúp đỡ người bệnh, người nhà người bệnh và khách. b) Trả lời đầy đủ các câu hỏi của người bệnh, người nhà người bệnh và khách với thái độ ân cần, quan tâm và lịch sự. c) Phân loại và phát số khám cho người bệnh theo thứ tự. d) Mời người bệnh, người nhà người bệnh hoặc khách ngồi chờ đúng nơi quy định. e) Bác sĩ thăm khám người bệnh toàn diện, lắng nghe lời kể của người bệnh và ân cần giải thích cho người bệnh hiểu rõ phương pháp điều trị cho họ. f) Hướng dẫn các thủ tục nhập viện. Đưa người bệnh nặng đến nơi làm xét nghiệm, chụp chiếu X-Quang nếu người bệnh nặng không tự đi được. g) Đưa người bệnh vào khoa điều trị. Khi người bệnh vào khoa: a) Y tá - điều dưỡng trưởng khoa, nữ hộ sinh trưởng khoa hoặc y tá - điều dưỡng hành chính vui vẻ tiếp đón, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, giới thiệu các quy định của bệnh viện và xếp giường cho người bệnh. Trường hợp không còn giường riêng cần giải thích rõ cho người bệnh hoặc người nhà người bệnh trước khi xếp nằm chung với người bệnh khác. b) Bác sĩ, y tá - điều dưỡng viên, nữ hộ sinh phụ trách phải giới thiệu tên, chức danh, thăm hỏi và làm quen với người bệnh ngay khi người bệnh vào khoa. Khi người bệnh đang điều trị tại khoa: a) Thầy thuốc và nhân viên y tế phải xưng hô với người bệnh, người nhà người bệnh lịch sự và phù hợp với tuổi hoặc quan hệ xã hội. Gọi người bệnh bằng cách ghép đại từ nhân xưng với họ tên người bệnh (ví dụ: ông Nguyễn Văn A...), không được gọi người bệnh bằng “ông kia”, “bà kia”. b) Bác sĩ điều trị, y tá-điều dưỡng, nữ hộ sinh phụ trách bố trí thời gian hợp lý để tiếp xúc, thăm khám, giáo dục sức khỏe và hướng dẫn người bệnh thực hiện chế độ điều trị và chăm sóc. c) Y tá-điều dưỡng viên, nữ hộ sinh, hộ lý giúp người bệnh các việc cụ thể như trải ga, mặc áo, đưa nước uống... khi cần. …. (Trích Quy định về chế độ giao tiếp trong các cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế) |
DUY TÍNH