Chiều ngày 10-8, giá vàng thế giới tiếp tục đi xuống kéo theo giá vàng nhẫn 24K tại thị trường trong nước cũng chìm trong sắc đỏ. Trong khi đó, chỉ riêng loại vàng miếng SJC bất ngờ đảo chiều đi lên.
Theo đó, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng được niêm yết ở mức 66,7 – 67,3 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Tương tự, Eximbank cũng điều chỉnh tăng thêm 50.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều, đưa giá vàng miếng SJC lên 66,8 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 67,2 triệu đồng/lượng.
Ở chiều ngược lại, các loại vàng nhẫn 24K lại giảm khoảng 100.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa phiên gần nhất. Hiện giá mua bán vàng nhẫn 9999 tại Mi Hồng neo ở mức 55,5 – 56 triệu đồng/lượng, tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận là 56 – 57 triệu đồng/lượng và tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn là 55,65 – 56,45 triệu đồng/lượng.
Như vậy, trong khi chênh lệch giữa giá mua và bán của vàng miếng SJC được các doanh nghiệp duy trì ổn định ở mức gần 500.000 đồng/lượng, thì khoảng cách này đối với các loại vàng nhẫn 9999 lại được nới rộng lên 500.000 đến 1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng dao động quanh mức 1.917 USD/ounce, thấp hơn 17 USD/ounce so với giá mở cửa. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng quốc tế tương đương 55,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 12 triệu đồng.
Thị trường kim loại quý hiện đang chờ Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 -2023 vào cuối tuần này.
Trung Quốc tiếp tục khiến thế giới chú ý khi ngân hàng trung ương của quốc gia mua thêm vàng vào tháng 7, đẩy cuộc mua sắm kim loại quý của nước này lên 9 tháng liên tiếp.
Ông Krishan Gopaul, nhà phân tích cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua 23 tấn vàng vào tháng 7. Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã mua thêm 126 tấn vàng, tăng dự trữ chính thức lên 2.136 tấn.
Mặc dù Trung Quốc đã trở thành quốc gia thu gom vàng hàng đầu trên thị trường kim loại quý, nhưng một số nhà phân tích cho rằng đây mới chỉ mới là bước đầu của giai đoạn đầu của quá trình nước này tăng tỉ lệ nắm giữ vàng trong kho dự trữ ngoại hối.
Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang truyền đi một thông điệp rằng họ muốn giảm tỉ lệ nắm giữ đô la Mỹ và tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng. Nhiều chuyên gia trên thị trường hàng hoá cho rằng Trung Quốc sẽ mua vàng trong thập kỷ tới.
Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu của ngân hàng trung ương, mặc dù đã chậm lại trong vài tháng qua, nhưng vẫn là một hỗ trợ đáng kể cho giá vàng.