Vàng SJC đắt hơn thế giới 20 triệu: Người mua lãnh đủ

 Video: Vàng SJC đắt hơn thế giới 20 triệu: Người mua lãnh đủ

Trong hai tuần trở lại đây, giá vàng SJC liên tục tăng sốc, có thời điểm vọt lên mức hơn 74,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Đây là mức giá đắt nhất mọi thời đại.

Tính chung, so với hai tuần trước, hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng hơn 10 triệu đồng. Đây cũng là mức tăng cao chưa từng có trong lịch sử của giá vàng trong nước chỉ trong một thời gian ngắn.

Đẩy rủi ro cho khách hàng

Giá vàng liên tục đổ xô mọi kỷ lục khiến thị trường có thời điểm diễn ra khá sôi động, chủ yếu là bán chốt lời. Đáng chú ý, trong bối cảnh giá vàng miếng SJC biến động bất thường, các cơ sở kinh doanh vàng nới rộng khoảng cách giữa giá mua và giá bán lên mức rất cao.

Chẳng hạn ngày 8-3, Công ty Kinh doanh vàng SJC nới rộng chênh lệch giá mua - bán lên 1,6 triệu đồng/lượng, còn hai công ty Vàng bạc đá quý DOJI và PNJ cùng giữ mức chênh lệch 2,2 triệu đồng/lượng. Thậm chí có thời điểm các đơn vị kinh doanh vàng đẩy mức chênh lệch mua - bán lên tới gần 3 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa các đơn vị kinh doanh vàng mua vào rẻ, bán ra rất đắt và đẩy mọi rủi ro về phía khách hàng.

Người dân vẫn coi vàng là một kênh trú ẩn để đầu tư trong thời điểm có nhiều rủi ro. Ảnh: THÙY LINH

Không chỉ đẩy mức chênh lệch giữa giá mua - bán lên mức rất cao, các cửa hàng kinh doanh vàng còn đẩy giá vàng SJC lên mức cao hiếm thấy. Đơn cử ngày 8-3, giá vàng thế giới chạm ngưỡng 2.025 USD/ounce rồi giảm về quanh mức 1.988 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương khoảng 55 triệu đồng/lượng.

Thế nhưng giá vàng SJC thoát ly ngày càng xa giá thế giới khi có thời điểm đắt hơn thế giới tới gần 20 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa là nếu khách hàng mua một lượng vàng SJC vào thời điểm trên sẽ chịu thiệt ngay 20 triệu đồng nếu so với người tiêu dùng ở các nước.

Trước hiện tượng bất thường trên, một số ý kiến nghi vấn có bàn tay thao túng thị trường vàng SJC. Bởi thực tế, vàng nữ trang 24K, hay vàng nhẫn tròn trơn vẫn bám khá sát đà tăng của giá vàng thế giới chứ không một mình một chợ như SJC.

Mua vàng nhẫn có lợi hơn vàng miếng

Chị Tố An (quận 9, TP.HCM) kể mới đây chị quyết định mua vàng nhẫn loại 24K. Bởi hiện giá vàng SJC đang dao động quanh mức 73-84 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn chỉ 56,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ tính riêng mức chênh lệch giữa vàng SJC và vàng nhẫn đã lên tới khoảng 16 triệu đồng/lượng.

“Mặc dù giá vàng nhẫn không biến động mạnh như vàng SJC nhưng nếu giá vàng thế giới tăng thì loại vàng này cũng tăng theo. Do vậy, mua vàng nhẫn vừa tránh đau tim mà vẫn bảo đảm giá trị tài sản” - chị Tố An nói. 

Giá vàng SJC bất thường do độc quyền

Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải bình luận rằng giá vàng miếng thương hiệu SJC hiện nay không đại diện cho thị trường vàng. Vì vàng miếng SJC không bám sát và phản ánh được bản chất thay đổi của giá vàng thế giới. Đây là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo do độc quyền, cộng với nguồn cung bị hạn chế, kể cả điểm bán lẻ.

“Người dân mua vàng SJC vì thương hiệu của nó. Tuy nhiên, trong tình hình giá cao bất thường hiện nay, người dân hoàn toàn có thể mua vàng nhẫn, vàng nữ trang. Còn nếu chấp nhận mua vàng miếng SJC phải chịu giá cao, rủi ro lớn” - ông Hải khuyến cáo.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cũng cho rằng giá vàng thế giới tăng giảm theo diễn biến địa chính trị tại Nga và Ukraine. Thực tế quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thì giá vàng thế giới chỉ dao động 54-55 triệu đồng/lượng nhưng mỗi bước tăng của giá vàng thế giới đều là cái cớ để vàng miếng SJC trong nước tăng rất sốc.

“Tôi nhận thấy không có lý do gì giải thích việc giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng ngoài tính độc quyền của loại vàng miếng này. Cụ thể hơn, tỉ giá tiền đồng Việt Nam với USD vẫn ổn định, các chỉ số kinh tế vĩ mô khá tốt, chứng khoán vẫn thu hút được dòng vốn nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy đây không phải thời điểm tốt để người dân, nhà đầu tư mua vàng SJC với số lượng lớn do nó thoát ly thị trường vàng quốc tế” - ông Phương phân tích.

Còn ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính, cũng khuyến nghị những người mua vàng ở vùng giá thấp hơn thì lúc này nên cân nhắc chốt lời. Còn với những ai vẫn cố mua vào vùng giá đỉnh thì rất dễ bị “úp sọt” khi mà chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với thế giới lên đến mức cao bất thường và khoảng cách giữa giá mua - bán cũng rộng lên mức quá cao.

“Trong trường hợp tình hình Nga - Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt, khách hàng chốt lời tăng cao, dẫn đến chênh lệch giá vàng SJC và vàng thế giới thu hẹp, đồng thời giá vàng giảm sốc thì người đu đỉnh sẽ bị chôn vốn một thời gian dài. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên đi vay tiền để mua vàng trong thời điểm có nhiều rủi ro như thế này” - ông Vũ khuyến cáo.

Các chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc làm rõ lý do vì sao giá vàng SJC ngày càng cao bất thường so với thế giới và giá mua vào rẻ trong khi bán ra quá đắt. Từ đó để thị trường vàng vận hành đúng quy luật cung - cầu, tạo lập thị trường vàng lành mạnh. Bởi nếu cứ “làm ngơ” trước tình trạng bất thường như hiện nay thì chỉ mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh vàng nhưng gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Kẻ cười, người khóc vì vàng

Chị Huyền Trang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: Tháng 4-2020, chị cần tiền gấp nên vay mượn ba lượng vàng, trong đó có hai lượng vàng SJC và một lượng vàng nhẫn. Lúc đó, các tiệm vàng niêm yết giá mua loại vàng SJC ở mức 47 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn là 44 triệu đồng/lượng.

“Mấy lần thấy vàng SJC leo lên mức 60 triệu đồng/lượng, tôi đợi giảm chút để mua dần trả nợ. Nhưng càng chờ giá vàng càng tăng, giờ thì đã lên tới 73-74 triệu đồng/lượng. Như vậy, chưa đầy hai năm, tiền gốc khoản vay (ba lượng vàng) từ mức 138 triệu đồng giờ đây bị đẩy lên tới hơn 200 triệu đồng. Khi đang cần tiền nên được ai đồng ý cho vay là mừng, chứ đâu nghĩ vay vàng có ngày rủi ro tới mức này” - chị Trang than thở.

Ngược lại, cũng có không ít người kiếm lời từ vàng. Anh Tuấn Việt (quận 9, TP.HCM) cho biết thấy giá vàng SJC liên tục tăng nên vợ chồng anh quyết định bán chốt lời năm lượng vàng. So với mức giá mua vào 55 triệu đồng/lượng hồi tháng 3-2021, sau khi bán năm lượng vàng, anh chị kiếm lời được tới 77 triệu đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới