Nhờ hương vị ngọt thơm đặc trưng, đường thốt nốt từ một sản phẩm bán tại địa phương nay đã vươn ra cả thị trường quốc tế. Nghề làm đường thốt nốt cũng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mùa nấu đường thốt nốt
Những ngày đầu tháng 3, len lỏi vào các khóm, phường thuộc thị xã Tịnh Biên, tôi bị cuốn hút bởi hương thơm ngọt ngào. Men theo mùi hương, tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Mai (58 tuổi, ngụ phường An Phú) khi bà đang khuấy mẻ đường thốt nốt đầu tiên.
Hỏi ra mới biết thời điểm này là mùa cao điểm nấu đường thốt nốt của bà con nơi đây.
“Mùa nắng này thốt nốt cho nước ngọt, nấu ra nhiều đường lại rất thơm” - bà Mai cho hay.
Để nấu đường, từ tờ mờ sáng chồng bà Mai đã chuẩn bị đầy đủ kẹp, chai nhựa… ra vườn gần nhà trèo lên cây thốt nốt lấy mật. Còn bà ở nhà tranh thủ chuẩn bị cơm nước, khi chồng đem mật vào là bà bắt tay vào nấu ngay. Bởi mật thốt nốt sau khi lấy để vài tiếng sẽ bị chua, không thể nấu đường được nên từ sáng sớm các lò đã đỏ lửa nấu đường.
Toàn thị xã Tịnh Biên có 305 cơ sở sản xuất đường thốt nốt, với 780 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, mỗi năm cho sản lượng 3.138 tấn. Sản phẩm đường thốt nốt cung cấp số lượng lớn cho thị trường trong và ngoài tỉnh…, một số được xuất khẩu ủy thác qua thị trường Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ...
Được biết, gia đình bà Mai đã làm nghề nấu đường hơn 40 năm qua. Theo bà Mai, mật thốt nốt trước khi nấu phải được lọc lại để loại bỏ côn trùng và tạp chất. Sau đó, cho nước vào nồi lớn và nấu. Nấu chừng 2-3 tiếng, nếu nước sôi chuyển sang màu đỏ, sệt sệt thì ngưng.
“Lúc này đường vẫn là chất lỏng, phải đưa vào máy đánh một lúc thì đường sẽ sệt lại gọi là đường chảy. Đường lúc này có màu vàng tươi rất đẹp. Đa số người dân chúng tôi lấy mật về tự nấu đường chảy bán lại cho các cơ sở để sản xuất đường bánh xe” - bà Mai chia sẻ.
Mỗi ngày bà Mai nấu được khoảng 50-60 kg đường, bán với giá 24.000 đồng/kg, đem về thu nhập hơn 1 triệu đồng.
“Mấy chục năm nay cả gia đình tôi chỉ sống bằng nghề nấu đường thốt nốt. Tuy cực nhưng nghề này cũng cho thu nhập ổn định, kinh tế vững vàng. Vợ chồng thằng con trai tôi cũng theo nghề” - bà Mai chia sẻ.
Cũng như bà Mai, gia đình của chị Hồ Thị Vàng cũng sống khỏe nhờ nghề nấu đường thốt nốt.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu đường, chị Vàng chia sẻ: “Để nấu được mẻ đường chất lượng thì lắm công phu. Khi nấu phải canh lửa cho thật đều, vừa lửa, khuấy đều tay và theo dõi trạng thái đường lúc nấu. Nếu để lửa quá lớn và lâu thì lúc này đường sẽ bị cháy khét, đắng”.
Nâng cao giá trị cây thốt nốt
Nhằm phát triển và nâng cao giá trị cây thốt nốt, UBND tỉnh An Giang cũng đã ban hành kế hoạch “Vùng sản xuất, chế biến thốt nốt theo hướng hữu cơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, đến năm 2025, số lượng cây thốt nốt được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt từ 200 cây và năm 2030 đạt 500 cây (cây trên 40 năm tuổi).
Sản phẩm từ các mô hình sản xuất hữu cơ được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ 80% năm 2025 và 100% năm 2030.
Qua đó, hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận; lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ cao hơn 1,5-2 lần so với tập quán chế biến thông thường.
Định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên.
Mới đây, nghề làm đường thốt nốt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.
Vươn ra thị trường quốc tế
Thốt nốt hiện là cây trồng chủ lực của bà con dân tộc vùng Bảy Núi. Các sản phẩm từ cây thốt nốt khá đa dạng, như nước màu thốt nốt, rượu thốt nốt, vang thốt nốt, mứt thốt nốt…
Theo UBND thị xã Tịnh Biên, cây thốt nốt không chỉ đơn thuần mang đến giá trị kinh tế cho người dân, nó còn chứa đựng giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa của người dân Khmer, góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống địa phương.
Trong khi một số làng nghề truyền thống khác tại An Giang có nguy cơ mai một thì nghề nấu đường thốt nốt lại phát triển ổn định hơn.
Tại cơ sở đường thốt nốt Lan Nhi (phường An Phú, thị xã Tịnh Biên), không khí làm việc vô cùng sôi động. Hàng chục người chia thành từng nhóm với từng công đoạn sản xuất khác nhau: Nhóm nấu đường, nhóm phụ trách đánh đường, nhóm tạo hình và cuối cùng là nhóm đóng gói.
Anh Nguyễn Thanh Phong, đại diện cơ sở đường thốt nốt Lan Nhi, cho biết cơ sở của anh chủ yếu là sản xuất đường thốt nốt. Đường chảy sau khi nấu sẽ được cho vào một khuôn tròn có độ dày 2-3 cm, để một lúc đường sẽ đặc lại, lấy ra sẽ nhìn giống như bánh xe. Sau đó đường được đóng gói (9 khoanh/kg) để tiện vận chuyển.
“Đường thốt nốt là một sản phẩm đặc thù của vùng này, không có đụng hàng với loại nào. Đặc trưng của đường thốt nốt là vị ngọt, thơm hơn đường cát nên rất được ưa chuộng. Ở các chợ lớn như Chợ Lớn (TP.HCM), Đồng Xuân (TP Hà Nội), đường thốt nốt được tiêu thụ rất nhiều. Giá dao động 30.000-40.000 đồng/kg tùy vào thời điểm” - ông Phong biết.
Theo ông Phong, ngoài đường thốt nốt thì cơ sở của ông còn sản xuất nước màu thốt nốt; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như đũa, bình trang trí… làm từ thân cây thốt nốt có tuổi thọ 80-90 năm.