Hiện người dân TP.HCM đang thiếu chỗ thư giãn, giải trí ngắn ngày. Cuối tuần, rất nhiều người không biết đi đâu, đành ngồi bó gối ở nhà xem tivi. Do đó, việc phát triển huyện Hóc Môn trở thành vùng du lịch sinh thái sẽ đáp ứng nhu cầu của chính người dân TP.HCM.
Vườn trầu, nhà vuông ngày càng ít
Trên đây là phát biểu của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM, tại hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, khơi dậy tiềm năng xây dựng huyện Hóc Môn - 18 thôn vườn trầu trở thành đô thị sinh thái của TP.HCM”. Hội thảo do UBND huyện Hóc Môn và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức sáng 13-4.
Hội thảo là dịp để huyện Hóc Môn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó đưa ra những giải pháp, đề xuất để thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả nguồn đất đai, con người… và định hướng Hóc Môn phát triển thành đô thị sinh thái.
Ông DƯƠNG HỒNG THẮNG, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM
Ông Hòa đưa mọi người về ký ức, cách đây chừng 20 năm, các học giả nước ngoài đến làm việc ở TP.HCM ngỏ lời thăm thú một nơi mang đặc trưng Nam Bộ thì nơi đó chỉ có thể là Hóc Môn. Thời đó, Hóc Môn tràn ngập màu xanh của vườn cau, vườn trầu, vườn rau, vườn cây ăn trái, hàng tầm vông thẳng tắp… Hóc Môn còn nhiều nhà kiểu Nam Bộ, nhất là nhà chữ đinh và nhà vuông.
“Tuy nhiên, từ năm 1995, quá trình đô thị hóa nhanh khiến mảng xanh ở Hóc Môn giảm rõ rệt. Nhiều vườn trầu, vườn cau, vườn trái… không còn. Nhiều nhà vuông, nhà chữ đinh chuyển thành nhà ống mặt phố” - ông Hòa tiếc rẻ.
Vùng đất nhiều tiềm năng
Về khả năng phát triển vùng đô thị sinh thái, theo ông Hòa, Hóc Môn cần dựa vào thế mạnh của địa phương, hấp dẫn du khách với nhà vườn xanh mát, homestay mang đậm chất làng quê, những làng nghề truyền thống.
|
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TRẦN NGỌC |
“Khi đó, tới Hóc Môn, khách du lịch còn thấy được bóng dáng 18 thôn vườn trầu, được trồng rau theo liếp, theo giồng, nghe đờn ca tài tử… Không chỉ vậy, còn được thấy đình chùa, miếu mạo, các công trình cộng đồng đậm kiến trúc nhiệt đới” - ông Hòa chia sẻ.
Theo TS Hoàng Thị Thu Huyền, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Hóc Môn vừa giống một số huyện ngoại thành, lại vừa không khác biệt nhiều với các quận nội thành của TP.HCM. “Hóc Môn định hướng trở thành đô thị sinh thái, gồm hai vế: Trở thành đô thị (TP/quận) và đồng thời là đô thị sinh thái. Nơi đây, ngoài thuận lợi về vị trí địa lý còn có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử…” - TS Huyền trình bày.
|
Đờn ca tài tử là nét văn hóa rất riêng của huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Về nguồn lực địa phương, TS Huyền nhấn mạnh: “Hóc Môn vẫn còn quỹ đất thích hợp trồng lúa và các loại cây công nghiệp hằng năm, cây công nghiệp ngắn ngày, rau, đậu, cây ăn trái. Cạnh đó, một số làng nghề thủ công truyền thống như đan đệm Xuân Thới Thượng, đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn… nếu gắn với du lịch sẽ phát huy giá trị truyền thống và phát triển kinh tế”.
Nhiều thách thức khi xây dựng Hóc Môn thành đô thị sinh thái
Dù Hóc Môn còn quỹ đất tiềm năng để phát triển đô thị sinh thái nhưng khó khăn đang gặp phải là mật độ xây dựng quá cao, tỉ lệ bê tông hóa rất lớn khiến nhiều không gian xanh, cây xanh và mặt nước dần bị thu hẹp.
Cạnh đó là chính sách huy động nguồn lực để xây dựng đô thị sinh thái. Hạ tầng giao thông dù có lợi thế vị trí nhưng vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là giao thông công cộng. Ngoài ra, vấn đề xây dựng kiến trúc sinh thái gắn với vật liệu và dòng năng lượng xanh là yếu tố cốt lõi trong việc phát triển dự án đô thị sinh thái đòi hỏi chi phí đầu tư cực kỳ tốn kém, không phải nhà đầu tư nào cũng có tiềm lực và thế mạnh trong việc phát triển các công trình sinh thái. Do vậy, rất cần sự hợp tác giữa chính quyền và các bên liên quan.
PGS-TS NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN,
Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM)