Máy bay được cho là trúng tên lửa đất đối không Buk, do Nga sản xuất.
Quân đội Mỹ có các vệ tinh nghe và cảnh báo sớm, theo đó xác định được vị trí của các tên lửa được phóng trên khắp toàn cầu. Các vệ tinh này thuộc “Chương trình hỗ trợ quân sự” để Lầu Năm Góc có thể phát hiện được vị trí phóng của các tên lửa nhờ vào các thiết bị cảm ứng hồng ngoại trang bị trên vệ tinh nhằm phát hiện vùng nhiệt và cột khói bốc lên.
Foxnews dẫn lời quan chức cấp cao của Mỹ cho hay một hệ thống radar của Mỹ đã phát hiện thấy một hệ thống tên lửa đất đối không đã được bật và theo dấu một máy bay ngay trước thời điểm máy bay Malaysia, với 298 người trên khoang, bị bắn hạ vào ngày 17/7. Trong khi đó hệ thống radar thứ hai của Mỹ đã thấy dấu hiệu nhiệt tại thời điểm máy bay bị bắn trúng.
Mỹ đang phân tích đường đi của tên lửa để biết vị trí tên lửa được bắn ra.
Máy bay bị bắn hạ gần thị trấn ở Torez, vùng Donetsk, miền đông Ukraine và khi bị bắn, máy bay đang ở độ cao khoảng 10.000m.
Phản ứng về vụ việc, Richard Quest, một chuyên gia hàng không của Mỹ cho rằng việc máy bay dân dụng bị bắn hạ ở độ cao 32.000 feet là “rất lạ lùng”.
Malaysia Airlines xác nhận họ mất liên lạc với MH17 và vị trí cuối cùng được biết của máy bay là trên không phận Ukraine.
Bộ Nội vụ Ukraine cũng cho biết máy bay Boeing 777 bị bắn trên bầu trời Ukraine và “những kẻ khủng bố” đã dùng hệ thống tên lửa đất đối không Buk để bắn hạ.
Theo một quan chức Mỹ, chính quyền Obama tin Ukraine không có khả năng kiểm soát khu vực miền đông nước này, chứ chưa nói đến động cơ bắn hạ máy bay.
Các bên đổ lỗi cho nhau
“Chúng tôi không loại trừ máy bay bị bắn hạ và khẳng định Lực lượng vũ trang Ukraine không bắn vào bất kỳ mục tiêu nào ở trên trời”, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố trên trang web của mình.
Ông Poroshenko cũng đổ lỗi cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine dùng tên lửa Buk bắn hạ máy bay Malaysia. Tuy nhiên, lực lượng nổi dậy phủ nhận cáo buộc.
Trong khi đó, ngay sau khi máy bay Malaysia bị rơi ở miền đông Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã lên tiếng chỉ trích Ukraine, cho rằng Kiev phải "chịu trách nhiệm" cho vụ việc. “Thảm họa này sẽ không xảy ra nếu có hòa bình ở nước đó, nếu hoạt động quân sự không được nối lại tại đông nam Ukraine”, ông Putin tuyên bố.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng ra tuyên bố cho biết "các đơn vị của các lực lượng vũ trang Ukraine đã đóng ở khu vực xảy ra vụ rơi máy bay được trang bị hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1…Đây là hệ thống có đặc điểm kỹ thuật, chiến thuật phức tạp, có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không ở tầm xa tới 160km và có thể bắn trúng chúng ở độ cao tối đa là hơn 30km."
Trước đó, hãng tin Itar-Tass và Interfax của Nga dẫn nguồn Bộ quốc phòng Nga, cho biết một xe chở hệ thống tên lửa Buk đang được chuẩn bị chuyển tới vùng Donetsk từ thành phố Kharkov của Ukraine.
Chuyên gia hàng không, phi công Yury Karash, được Russia Today dẫn lời cho biết, có khả năng lớn máy bay Malaysia bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.“Chúng ta hãy nhớ tên lửa Ukraine đã bắn hạ máy bay TU-154 của Nga 10 năm trước như thế nào. Tôi không thể loại trừ khả năng Boeing-777 cũng bị tên lửa bắn hạ”, ông này cho hay.
Theo Edward Hunt, nhà phân tích quân sự cấp cao của cơ quan phân tích quân sự nổi tiếng HIS Janes, tên lửa Buk có hệ thống vận hành phức tạp, không giống với những vũ khí vác vai, và cần phải sự giúp đỡ từ bên ngoài hoặc người điều khiển cần phải được đào tạo chuyên sâu.
“Các tên lửa này không được đánh giá nằm trong tầm với của lực lượng nổi dậy hay ly khai vì lý do chúng là hỏa lực nhạy cảm, cần phải được đào tạo bài bản”, ông cho hay.
Trung Anh
Tổng hợp