Ngay khi sự việc xảy ra, chính quyền Kiev đã “nhanh miệng” đưa thông tin chiếc Boeing 777 MAS bị tên lửa của quân nổi dậy bắn hạ, rơi xuống gần một ngôi làng ở thành phố Donetsk. Quan chức quân đội cho rằng thực ra quân nổi dậy nhắm bắn vào máy bay quân sự Ukraine nhưng nhầm mục tiêu.
Nhằm củng cố thông tin trên, tình báo Ukraine công khai thông tin họ thu được nội dung cuộc điện giữa Igor Bezler, một trong những người đứng đầu lực lượng nổi dậy ở Donetsk và sĩ quan tình báo Nga. Trong đó, Bezler nói: “Chúng tôi vừa bắn hạ một chiếc máy bay. Một binh lính đã được cử đến hiện trường nhưng đó chỉ là máy bay dân dụng và hoàn toàn không mang theo vũ khí”.
Thêm vào đó, quân đội khẳng định bên cung cấp vũ khí đủ khả năng bắn hạ máy bay tầm cao cho quân ly khai chính là nước Nga. Cùng với nguồn tin tình báo, ông Petro Poroshenko đã kín đáo “đá xéo” rằng vụ việc này có liên quan đến ông Putin.
Hiện trường chiếc máy bay bị bắn hạ
Ngược lại, một nguồn tin khác từ chính nhân viên điều hành bay đã cho thấy thủ phạm là một kẻ khác. Theo Karlos, một nhân viên điều hành bay người Tây Ban Nha khẳng định trước khi rơi 3 phút, chiếc máy bay Boeing-777 mang số hiệu MH17 của MAS đã bay bên cạnh hai máy bay tiêm kích của Ukraine. Hai chiếc máy bay này xuất hiện bên cạnh chiếc Boeing trong vòng ba phút rồi biến mất. Ngay sau đó, điều hành bay cũng mất liên lạc với máy bay MAS. “Gần như ngay lập tức chính quyền Kiev thông báo cho chúng tôi rằng nó đã bị nổ. Vì sao họ nắm sự việc nhanh đến vậy?”, Karlos hoài nghi.
Giữa lúc thông tin đa chiều còn rối rắm, một nguồn tin giấu tên cho biết cơ quan hàng không Nga không loại trừ khả năng mục tiêu chính của tên lửa Ukraine là chiếc Il-96, chuyên cơ chở tổng thống Putin đang trên đường từ Brasillia về Moskva. Tuy nhiên, do chiếc Boeing của MAS có màu sơn tương tự chiếc Il-96 nên đã bị… chết oan.
“Chiếc máy bay chở tổng thống Nga bay qua khu vực này vào lúc 16 gờ 21 theo giờ Moskva, còn chiếc máy bay của MAS bay trước đó gần một giờ” hãng tin RT trích dẫn lời nguồn tin giấu tên này.
Theo các chuyên gia vũ khí, chiếc máy bay đã bị hạ bởi tên lửa Buk. Đây là loại tên lửa có xuất xứ từ Nga mà cả lực lượng ly khai ở miền Đông lẫn quân đội Ukraine đều sở hữu .
Vậy sự thực nguyên nhân nào dẫn đến thảm kịch cho một chuyến bay dân sự như vậy và ai mới là thủ phạm thực sự?
Là quốc gia bị cáo buộc “tiếp tay” cho quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine, Nga ngay lập tức bị các nước phương Tây và chính chính quyền Kiev nghi ngờ là “bên liên quan trực tiếp”. Ngay trong chiều 17-7, trong bài phát biểu tại điện Kremlin, ông Putin nói rõ nước Nga hoàn toàn không liên quan tới vụ việc trên.
Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định hôm 17-7 hệ thống phòng không của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga tại khu vực trên không hoạt động.
Đại diện hãng hàng không Malaysia Airlines tổ chức họp báo về vụ tai nạn
Sáng 18-7, Bộ Quốc phòng Nga họp bàn và khẳng định: để có câu trả lời khách quan, chỉ rõ được tên lửa bắn hạ chuyến bay MH17 thuộc về lực lượng nào, cuộc điều tra cần được tiến hành tỉ mỉ, khách quan với sự tham gia của tất cả các tổ chức quốc tế có khả năng và uy tín, đảm bảo sự minh bạch và xác tín trong quá trình xử lý vụ việc. Bộ Quốc phòng Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành ngay việc điều tra thấu đáo về vụ tai nạn và hứa sẵn sàng hỗ trợ lực lượng bằng mọi hình thức.
Trong bài phát biểu sáng nay tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Obama cũng gửi lời chia buồn đến các nạn nhân và cam kết sẽ cử lực lượng điều tra đến trực tiếp tại hiện trường. Nhiều thông tin cho biết FBI đã sẵn sàng vào cuộc.
Hành lý của các hành khách trên chuyến bay MH 17
Phương Dung (tổng hợp)