Những người trên chuyến bay định mệnh MH17 của hãng hàng không Malaysia hôm 18/7 chắc hẳn không biết có một quả tên lửa “đón chào” họ, vào nếu có biết thì cũng không có cách nào chặn được, các chuyên gia cho hay.
Vụ nổ được một đoạn video ghi lại có vẻ không xảy ra cho đến khi chiếc Boeing 777 va chạm với mặt đất, giáo sư Timothy Holt tại Đại học Hàng không Embry-Riddle nói với đài ABC.
Nhưng với vụ này này thì nhiều khả năng hầu hết nhiên liệu vẫn còn, Holt nói. “Chúng ta không thấy quả cầu lửa nào ở trên trời… Chúng ta thấy ngọn lửa bùng lên khi nó rơi tới đất, những cuộn khói lửa đen”.
Các máy bay thương mại như chiếc bị bắn rơi ở đông Ukraine chở 298 người không có thiết bị cần thiết cho phép các phi hành đoàn biết liệu có tên lửa nào đang bám theo hay không. Cách duy nhất để phi công trên máy bay loại này phát hiện ra tên lửa là qua mắt thường phát hiện tên lửa phóng lên từ mặt đất.
“Trong trường hợp nhận được cảnh báo, hoặc thấy bằng mắt, điều tốt nhất bạn nên làm hạ thấp độ cao, ngoặt sang một bên”, ông Holt nói. Holt chuyên lái phi cơ do thám cho hải quân Mỹ trong khoảng 15 năm.
“Tuy nhiên cái máy bay chúng ta nói tới ở đây không thuộc loại có khả năng phản ứng nhanh để tránh quả tên lửa. Hơn nữa, phi công thương mại không được huấn luyện để tránh tên lửa”.
Hiện chưa rõ các hành khách, với các phần thi thể nằm rải rác ở Hrabove thuộc đông Ukraine, có bị chết ngay khi tên lửa đánh trúng phi cơ hoặc là vài phút sau đó khi chiếc máy bay đâm xuống đất.
Holt cho biết: “Mọi thứ phụ thuộc nhiều vào loại tên lửa và điểm va chạm giữa tên lửa và phi cơ”.
Một quan chức Mỹ nói với ABC News rằng một tên lửa đất đối không đã đánh trúng chiếc Boeing 777 ở Ukraine gần biên giới Nga vào ngày 18/7. Theo quan chức này, hiện chưa rõ tên lửa phóng đi từ bên trong lãnh thổ Ukraine hay Nga và ai đã phóng. Các mảnh vỡ và mảnh thi thể vương vãi trên một vùng có đường kính 16km.
Chuyến bay với 283 hành khách cùng 15 thành viên tổ bay đang trên hành trình từ Amsterdam tới Kuala Lumpur.
Trung Hiếu/VOV/VN (Theo ABC news)