Sau trận thắng Lào 3-0, đội tuyển Việt Nam đã tạo ra một cơn sốt cuồng nhiệt với người hâm mộ. Sáng 11-11, VFF đã mở bán trực tiếp 9.000 vé cho khán giả ngay tại sân Mỹ Đình. Rất đông người hâm mộ đã đến nơi bán vé từ sáng sớm tinh mơ chầu chực mấy tiếng đồng hồ nhưng rồi VFF bán cái vèo trong hai giờ là hết.
Cũng thông cảm cho VFF chịu nhiều sức ép khi lượng cung không đủ cầu, chưa kể những mối quan hệ “tế nhị” khác khiến họ không thể từ chối mà phải giữ lại một số lượng vé nhất định. Chỉ tiếc là VFF vẫn chưa thể bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0, bởi cách làm thủ công và phải cắn răng phục vụ lượng khách mời quá lớn đã tạo ra nhiều sự phiền nhiễu, trách móc.
Trong hàng ngàn người dầm mưa lạnh lẽo chờ mua vé, không phải ai cũng thỏa mãn. Một CĐV đến từ Lào Cai than thở: “Tôi đứng xếp hàng từ 4 giờ sáng nhưng rồi không mua được vé. Rất ấm ức. Người mua không ý thức. Đến cả mấy anh cảnh sát cũng không giải quyết được. Cho xếp hàng một cổng vào mua mà không dựng hàng rào hay có sự can thiệp để người mua sắp xếp một cách hợp lý. Người đến sau cũng leo lên trên đầu người đứng trước.
Người hâm mộ khốn khổ xếp hàng mua vé mà người có, người không trong khi chợ đen ngay gần đó thì bao nhiêu cũng có (ảnh nhỏ). Ảnh: NGỌC DUNG
Người có ý thức (xếp hàng) thì không có vé. Người thì mua được 2-3 lượt do chen lấn. Và nói thẳng là có thêm dịch vụ mất 300.000 đồng được vào cổng nhanh hơn. Thật sự chả biết nói gì. Ban lãnh đạo (VFF) không hiểu đang ở đâu. Có tới 9.000 vé mà mới 11 giờ hết vé trong khi 8 giờ bắt đầu bán. Lúc hết vé, mấy anh cảnh sát nghỉ ăn cơm chán chê đến 12 giờ 30 mới ra thông báo. Quá bức xúc!”.
Trước đó VFF đã nhận bán vé qua đường công văn (11.000 vé) và đặt vé online (4.000 vé), cộng với vé bán trực tiếp (9.000 vé) là chỉ có 24.000 vé đến tay người mua, trong khi sức chứa của sân Mỹ Đình tới 40.000 chỗ ngồi. Theo Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh, 16.000 vé còn lại dành cho các nhà tài trợ, đối tác của VFF và phân phối cho đội tuyển quốc gia.
Nghiệt ngã trong lúc hàng ngàn người không có vé mua qua cổng chính thức thì dân chợ đen có hàng xấp các loại vé trong tay, kể cả vé mời muốn bao nhiêu cũng có. Dĩ nhiên, giá của nó cao gấp nhiều lần mệnh giá gốc (150.000-400.000 đồng) khi một chiếc vé mời đã được rao bán với giá 3 triệu đồng.
Rất nhiều người nghi ngờ về tính minh bạch của những chiếc vé nhân danh ngoại giao và cho rằng số lượng vé quá lớn để chảy vào tay dân chợ đen.
Tính ra 34 thành viên của đội tuyển Việt Nam mỗi người có tiêu chuẩn tám vé và được mua thêm 20 vé, nếu mua hết thì tổng cộng 952 vé. Vậy còn đến hơn 15.000 vé mời lọt vào tay phe vé ở đâu ra?
Có người nói thẳng VFF du học Nhật, Hàn, châu Âu kiểu gì mà cách thức bán vé còn thua cả Thái Lan 20 năm trước đã biết đưa vé đến tay người mua qua mạng. Hay như Cần Thơ hồi ở giải U-19 quốc tế tìm không ra các tay phe vé công khai vì công an rất nghiêm khắc với hành vi này.
Cũng có ý kiến cho rằng nếu người ta chịu học cái hay, cái đẹp của các nước có nền bóng đá hiện đại, chỉ qua việc bán vé cho người cần mua thực sự thì còn gì đâu nữa mà “ăn” (!?).
Một khán giả phân tích: “Cứ thử tưởng tượng chỉ cần 80% trong 16.000 vé mời kia được bán ra thì người ta đã bỏ túi bao nhiêu tiền? Chưa kể vé được mang danh bán cho người hâm mộ cũng sẽ bị tuồn ra ngoài bằng cách này hay cách khác. VFF cần có câu trả lời cho người hâm mộ trước khi quá muộn…”.
Học trò ông Park cũng khổ sở vì vé Các tuyển thủ Việt Nam mệt mỏi vì bạn bè, người thân quen suốt ngày hỏi xin vé nhưng họ không thể đáp ứng đầy đủ khi chỉ có trong tiêu chuẩn sở hữu mỗi người 28 vé. Rất nhiều cầu thủ đã chọn cách tắt điện thoại di động để không bị làm phiền trong giai đoạn họ cần tập trung cao độ luyện tập cho trận đón tiếp Malaysia. Số khác chọn cách không gửi cho bất kỳ ai bởi ngại mất lòng người có, người không. Ngay cả HLV Park Hang-seo cũng cảnh báo học trò phải bỏ qua vướng bận chuyện cho, tặng vé người thân để tránh phân tâm vào những chuyện không đáng. |