Theo VEC, dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là Dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Nam do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư và quản lý, khai thác. Dự án được khởi công ngày 3-10-2009, thông xe toàn tuyến ngày 8-2-2015.
Lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây rút ngắn 1/3 khoảng cách và 1/2 thời gian đi các vùng tiếp giáp TP.HCM, tiết kiệm nhiên liệu và tiết giảm chi phí xã hội hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Tuyến cao tốc này còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy các ngành nghề địa phương phát triển, nhất là ngành du lịch. Tạo thêm nhiều việc làm cho người dân vùng dự án đi qua, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, giảm thiểu tình trạng ùn tắc trên xa lộ Hà Nội, quốc lộ 51 và tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị…
Toàn bộ tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng mức đầu tư 20.630 tỉ đồng, chủ yếu vay vốn nước ngoài, do đó VEC chịu sức ép rất lớn phải trả nợ gốc và lãi khi đến hạn.
Nhiều dự án BOT sẽ giảm phí trong thời gian tới. Ảnh: VIẾT LONG
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT về việc tháo gỡ và chia sẻ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải sử dụng đường cao tốc trong lộ trình vận chuyển. Đồng thời, nâng cao hình ảnh và thương hiệu VEC về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, VEC thực hiện điều chỉnh giảm khoảng 10% mức cước phí đối với xe tải loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở container 20 feet) và xe tải loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet) tham gia giao thông trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ quốc lộ 51 đến Dầu Giây) từ 0 giờ ngày 1-8.
Cụ thể, xe loại 1, 2 và loại 3 mức phí không đổi; xe tải loại 4 giảm từ 150.000 đồng xuống còn 140.000 đồng; xe tải loại 5 giảm từ 240.000 đồng xuống còn 220.000 đồng. Để bù đắp các khoản thiếu hụt có thể xảy ra do việc điều chỉnh giảm phí, VEC thường xuyên tăng cường áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp...
Liên quan đến việc điều chỉnh giá vé, liên bộ Tài chính và Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng các phương án giảm phí BOT tại 29 trạm thu phí với mức 10%-20%. Việc giảm phí này dựa trên cơ sở giá trị triển khai dự án thấp hơn dự toán.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường0 cho biết thông tin trên đã gửi thông báo tới các trạm thu phí trong diện đề xuất giảm và mức giảm thống nhất chung là 10% cho 29 trạm, trong đó 24 trạm sẽ giảm mức thu đối với xe thuộc nhóm 4, 5 và năm trạm sẽ giảm phí đối với xe thuộc nhóm 1, 2. |