Liên quan đến phí BOT, thời gian qua nhiều người dân tỏ ra bức xúc trước việc các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc, khoảng cách giữa các trạm không đúng với quy định hiện hành (70km/trạm). Đặc biệt, trạm đặt ở đường này thì thu phí cho đường khác (Bắc Thăng Long – Nội Bài)…
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng đang có tình trạng phí chồng phí, vì hiện các xe đã phải nộp phí bảo trì đường bộ nhưng chạy trên một số tuyến đường BOT vẫn phải nộp phí. Nên ông Thanh từng kiến nghị Chính phủ nên xét lại giá lộ trình về tăng phí BOT. Hiện nay ở một số tuyến vận tải ngắn, phí đường bộ đã cao hơn chi phí nhiên liệu, nên nó gây xáo trộn trong chi phí giá cước vận tải: “Đặc biệt xem xét khoảng cách các trạm BOT, tìm cách gom các trạm để cố gắng tiếp cận với quy định 70km/trạm. Như hiện nay có tuyến đường Hà Nội – Thái Bình chỉ 100km nhưng có đến bốn trạm thu phí là quá ngắn…”- ông Thanh nói.
Bản chất của BOT là người dân cần có sự lựa chọn, tuy nhiên tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng người dân không thể thoát khỏi việc đóng phí. Ảnh: VIẾT LONG
Một chuyên gia cũng cho rằng, mức thu phí 2.000đồng/km đối với xe 5 chỗ là quá cao, cao hơn tiền bỏ ra mua xăng cho loại xe này: “Nhà nước nên giãn lộ trình thu hồi vốn hoặc mua lại các trạm thu phí để người dân doanh nghiệp có thể chịu đựng được…”- ông này nói.
Trước đó, trả lời báo chí ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết trong quá trình xây dựng dự án BOT, Bộ GTVT cũng như Bộ Tài chính cùng với các bộ ngành liên quan đã duyệt các phương án tài chính của các dự án BOT. Theo phương án tài chính đó, lộ trình tăng phí theo mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cũng như lộ trình để hoàn hoàn vốn, để đảm bảo hài hòa ba lợi ích (nhà đầu tư, ngân hàng cho vay vốn, người tiêu dùng). Vì vậy các dự án này đã có quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đồng thời có lộ trình thực hiện rất rõ ràng.