Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú gửi công văn cho 14 CLB tham gia bàn kế hoạch thi đấu lượt đi giải V-League 2020 bằng hình thức họp trực tiếp hoặc họp trực tuyến.
Ý tưởng của VPF là rất tốt, sau khi nhận sự chỉ đạo của VFF chủ động đón đầu diễn tiến của dịch và nhằm đảm bảo kế hoạch thi đấu của đội tuyển quốc gia cũng như giúp các CLB hoạt động chuyên môn. Nhưng rất đáng nói là thời điểm cho bóng V-League lăn trở lại theo hai phương án bắt đầu từ ngày 15-4 hoặc ngày 1-5 rất lúng túng.
Bầu Đức phản đối kế hoạch tiếp tục thi đấu V-League của các nhà tổ chức VPF và cấm lãnh đội HA Gia Lai tham gia cuộc họp ngày 31-3. Ảnh: TRÂM ANH
Ai cũng biết từ nay cho đến hết ngày 15-4, các cơ quan chức năng khuyến cáo không tụ tập đông người, hạn chế di chuyển để tránh lây nhiễm… và có thể kéo dài xem xét thêm trong vài tuần nữa. Vì thế, khả năng V-League trở lại sau khi bóng lăn hai vòng là rất thấp, nếu không muốn nói bất khả thi.
Đấy cũng là nguyên do bầu Đức phản đối kịch liệt chuyện tổ chức họp hành của VPF trong thời điểm cả nước gồng mình lo chống dịch và Chính phủ cho dừng các cuộc hội họp đông người, tạm ngưng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí…
Ông bầu phố núi thẳng thắn: “Tại sao phải họp bàn chuyện bóng đá trong lúc cả nước bàn chuyện lo chống dịch bệnh nguy hiểm đến an toàn sức khỏe người dân? Đá bóng chỉ để vui chơi, không đá lúc này thì đá lúc khác, chẳng chết ai cả.
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết không ép các CLB...
... nhưng thời điểm bóng lăn trở lại theo một số CLB là chưa phù hợp khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp và khó lường. Ảnh: NGỌC DUNG
Quan điểm của tôi trước sau như một là đến khi nào các cơ quan chức năng công bố hết dịch bệnh, mọi hoạt động trở lại bình thường hãy đá bóng. Còn bây giờ HA Gia Lai không tham gia, không họp hành bàn việc banh bóng lúc này. Cầu thủ của chúng tôi nội bất xuất, ngoại bất nhập, không quan tâm đến kế hoạch không giống ai của VPF. Các giải đấu lớn của bóng đá thế giới còn hoãn lại một năm hoặc dừng vô thời hạn thì V-League là cái gì đâu?”.
Có chung ý kiến với bầu Đức, ba đội bóng không tán thành kế hoạch của VPF trong cuộc bỏ phiếu ngày 28-3 là Nam Định, B. Bình Dương và Quảng Nam. Các CLB khác gồm TP.HCM, Sài Gòn, SHB Đà Nẵng, Hải Phòng không có ý kiến hoặc bỏ phiếu trống.
Chỉ có 6/14 đội bóng, không quá nửa số CLB ủng hộ chủ yếu ở phía bắc theo phương thức đá cách ly tập trung là Thanh Hóa, SL Nghệ An, Than Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh và Viettel. Tuy nhiên, điều kiện của các lãnh đội này đưa ra cho những nhà tổ chức giải là phải bảo đảm tình trạng an toàn cho các thành viên tham gia trận đấu, dự kiến mỗi trận có khoảng 100-120 người.
V-League 2020 mới thi đấu có hai vòng trên các mặt sân không khán giả phải tạp hoãn do đại dịch COVID-19. Ảnh: NGỌC DUNG
Có một số ý kiến không có đội rớt hạng ở V-League mùa này, hoặc nếu tình hình dịch bệnh diễn biến kéo dài có thể đá một lượt trận gồm 13 vòng đấu, thay vì thi đấu 26 vòng như thể thức cũ.
Giả sử cuộc họp của VPF với các CLB ngày 31-3 vẫn giữ nguyên biểu quyết ủng hộ chỉ 6/14 cho bóng V-League 2020 lăn trở lại vào ngày 15-4 hoặc ngày 1-5, có thể thấy phương án này sẽ phá sản. Mặc dù VPF dưới sự chỉ đạo của VFF chỉ mới tham khảo ý kiến 14 CLB chứ không ép, vì "giải đấu sẽ chỉ tổ chức khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép".
Trong khi đó, VPF vẫn chưa có kế hoạch nào cho các giải do mình tổ chức là Cúp Quốc gia và giải hạng Nhất đến nay vẫn chưa thể khai diễn do dịch bệnh COVID-19.