Như đã thông tin, 12 người có liên quan trong việc làm oan ông Huỳnh Văn Nén đều thoát kỷ luật Đảng vì đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Do đó họ chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Hình thức xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với 12 người này mà Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Bình Thuận đã biểu quyết đa phần là hình thức khiển trách và cảnh cáo.
Về nguyên tắc, Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ngày 15-11-2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Theo Điều 3 Quy định 102 về thời hiệu xử lý kỷ luật thì:
- Năm năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
- 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.
Như vậy, thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm đối với từng cá nhân có sự khác nhau.
Ví dụ ông Nguyễn Kiến Quốc (đảng viên Chi bộ khu phố 11, phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc, nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh).
Ông Quốc đã thiếu kiểm tra, không yêu cầu cán bộ điều tra báo cáo cụ thể vụ việc, tình tiết của vụ án để chỉ đạo làm rõ, dẫn đến khởi tố oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén. Ông Quốc chịu hình thức xử lý kỷ luật về mặt Đảng là cảnh cáo. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm ông Quốc có hành vi vi phạm có thể hiểu là ngày ông Nén bị khởi tố, bắt tạm giam oan.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm phải quy định tính kể từ ngày có bản án hoặc quyết định xác định ông Nén bị oan. Quy định như hiện nay thì vụ án nào mà người bị oan bị giam oan trên 10 năm thì coi như người làm oan thoát bị kỷ luật.
Đó là chưa kể việc muốn họp xét kỷ luật phải chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền xác định rằng bị cáo bị oan thì mới có căn cứ xác định người ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử là làm oan, phải bị xử lý kỷ luật.
Ông Nén trong vòng tay người thân ngày ông được tư do sau 17 năm ngồi tù. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, đêm 23-4-1998, bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) bị hung thủ vào nhà dùng dây dù siết cổ chết và cướp đi chiếc nhẫn một chỉ vàng. Ngay sau đó Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án, tiến hành điều tra.