Vì sao CSGT được mặc thường phục khi bắn tốc độ?

(PLO)- Nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao CSGT được mặc thường phục thay vì mặc trang phục cảnh sát khi sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, bao gồm máy đo tốc độ?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BCA của Bộ Công an hợp nhất Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.

Trong đó quy định trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trong đó có việc bắn tốc độ - PV), CSGT được bố trí một bộ phận mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cán bộ CSGT Hà Nội mặc thường phục vận hành máy đo tốc độ. Ảnh: UYÊN TRANG

Cán bộ CSGT Hà Nội mặc thường phục vận hành máy đo tốc độ. Ảnh: UYÊN TRANG

Nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao CSGT được mặc thường phục thay vì mặc trang phục cảnh sát khi sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, bao gồm máy đo tốc độ? Điều này có ảnh hưởng đến sự minh bạch, công khai trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm hay không?

. "Tại sao bắn tốc độ mà phải mặc thường phục?"- bạn đọc Bình Phương

. "Nên mặc quân phục hết để tránh giả mạo và tiêu cực"- bạn đọc NVY

. "Tại sao lại phải mặc thường phục khi làm việc công? Vi phạm thì cũng vi phạm rồi. Khi nhìn thấy CSGT bắn tốc độ người tham gia sẽ giảm tốc độ lại để thể giảm thiểu được rủi ro, tai nạn"- bạn đọc Vũ Đình.

. "Tuần tra phát hiện lỗi vi phạm thì phạt là đồng ý 100%. Nhưng tại sao CSGT phải núp trên nóc nhà, trên cây, bụi cây ven đường... để phát hiện vi phạm giao thông?" - bạn đọc HH.

. "Tại sao bắn tốc độ cũng phải thường phục nhỉ? Cần phải xuất hiện công khai để nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông chứ!"- bạn đọc Duy Phạm...

Trao đổi với PLO, đại diện Cục CSGT, Bộ Công an, cho biết vấn đề trên không phải là mới, đã được quy định rõ tại Thông tư 65/2020 của Bộ Công an (nay được hợp nhất trong Văn bản hợp nhất số 12 – PV) và đã thực hiện từ nhiều năm nay.

Thực tế, không phải bất cứ người tham gia giao thông nào cũng tự giác chấp hành luật giao thông, do đó, việc bố trí một bộ phận CSGT mặc thường phục nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Từng trả lời cử tri về nội dung tương tự, Bộ Công an cho hay chạy quá tốc độ là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT, việc xử lý hành vi vi phạm này nhằm hạn chế TNGT là rất cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều lái xe tìm cách đối phó với việc đo tốc độ công khai như đang chạy với tốc độ cao, khi phát hiện các trạm, chốt của CSGT sẽ giảm tốc độ hoặc né tránh; người lái xe bị xử phạt thông báo cho người lái xe đang tham gia giao thông khác biết để né tránh, gây khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT…

Chính vì vậy, việc kết hợp giữa hình thức đo tốc độ công khai và bí mật là xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tế.

Đồng tình quan điểm, luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng việc CSGT mặc thường phục để sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, trong đó có máy đo tốc độ, để phát hiện vi phạm là phù hợp. “Nếu người tham gia giao thông tuân thủ đúng quy định pháp luật, dù CSGT kiểm soát dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả công khai hay bí mật, cũng không ảnh hưởng gì” – luật sư nhấn mạnh.

Về yếu tố minh bạch và công khai, luật sư Tâm nhận định quy định của Bộ Công an cũng nêu rất rõ: Khi phát hiện vi phạm, cán bộ CSGT mặc thường phục phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghĩa là, cán bộ CSGT mặc thường phục chỉ được sử dụng thiết bị nghiệp vụ để phát vi hiện vi phạm, không được trực tiếp xử phạt. Thẩm quyền này thuộc về bộ phận CSGT mặc trang phục cảnh sát công khai.

Hơn thế, việc CSGT mặc thường phục phải được ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát, do trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục CSGT hoặc trưởng phòng CSGT, hoặc trưởng Công an cấp huyện trở lên quyết định.

“Các quy định như trên là khá chặt chẽ, đảm bảo lực lượng CSGT không có sự tùy tiện, lạm dụng trong quá trình thi hành nhiệm vụ” – luật sư đánh giá.

Máy đo tốc độ phải do CSGT trực tiếp vận hành

Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà CSGT được sử dụng gồm: hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới; máy đo tốc độ có ghi hình ảnh; thiết bị ghi âm và ghi hình; phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở; thiết bị đo, thử chất ma túy; thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả; thiết bị định vị vệ tinh

Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại Trạm CSGT, trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, trang bị cho Tổ CSGT, do cán bộ CSGT trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm