Nhiều đại gia đang chấp hành hình phạt tù hay bị bắt giữ nhưng vẫn “bỏ túi” hàng trăm tỉ đồng nhờ vào các khoản đầu tư trước đó tại nhiều công ty.
Kiếm tiền khủng nhờ cổ phiếu, cổ tức
Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị dầu khí Cửu Long (CCL) vừa thông báo trả cổ tức với mỗi cổ phần sở hữu được trả 500 đồng. Một trong những cổ đông lớn tại CCL và cũng là người nhận lãnh phần cổ tức tiền tỉ là đại gia Trịnh Sướng, nguyên giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng (Sóc Trăng), đã bị bắt vì liên quan đến đại án làm xăng dầu giả.
Báo cáo của CCL cho hay ông Trịnh Sướng đã bị miễn nhiệm khỏi HĐQT công ty kể từ ngày 6-6-2019 vì bị khởi tố liên quan đến án kinh tế. Còn tại CCL, việc ông Trịnh Sướng vi phạm pháp luật không liên quan và ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Ông Trịnh Sướng chỉ là một cổ đông của doanh nghiệp. “Việc miễn nhiệm ông Trịnh Sướng cũng theo đúng quy định và HĐQT sẽ bầu bổ sung thêm thành viên trong đại hội cổ đông tới” - đại diện CCL giải thích.
Hiện tổng số cổ phần của đại gia Trịnh Sướng tại CCL là 5 triệu, do đó sẽ được nhận cổ tức với tổng giá trị 2,5 tỉ đồng. Chưa kể trong vài tháng qua giá cổ phiếu CCL dao động quanh mức 9.000 đồng mỗi cổ phiếu giúp tổng giá trị cổ phần đại gia Trịnh Sướng đang nắm giữ tại CCL lên đến gần 44 tỉ đồng.
Câu chuyện này tương tự với ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), người đang chấp hành hình phạt tù vì các vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Tại thời điểm năm 2018, ông Kiên cùng với vợ đang nắm giữ hàng chục triệu cổ phiếu Ngân hàng ACB vì ông là một trong những người sáng lập ngân hàng này. Cụ thể, bầu Kiên nắm giữ gần 32 triệu cổ phiếu ACB và vợ ông nắm giữ 38,5 triệu cổ phiếu.
Tính trên giá trị cổ phiếu thời điểm năm 2018, tổng tài sản của vợ chồng bầu Kiên tăng gần gấp hai lần. Lý do là nếu cuối năm 2017, giá cổ phiếu ACB xoay quanh mốc 18.000 đồng thì đến đầu tháng 4-2018 đã tăng lên 34.000 đồng mỗi cổ phiếu nhờ vào kết quả kinh doanh tốt. Như vậy, riêng bầu Kiên đã tăng tài sản từ mức gần 600 tỉ đồng lên hơn 1.000 tỉ đồng.
Đại gia Trịnh Sướng đã bị bắt vì liên quan đến đại án làm xăng dầu giả nhưng vẫn nhận cổ tức khủng. Ảnh: TL
Cũng bị chịu trách nhiệm hình sự về làm trái các quy định trong lĩnh vực ngân hàng, ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch HĐQT Sacombank, cũng đang thụ án tù. Nhưng vị đại gia này là một cổ đông lớn tại BV Triều An. Theo đó, tính đến cuối năm 2018, ông Trầm Bê đang nắm giữ 2,3 triệu cổ phần, tương đương với 4,85% vốn điều lệ tại bệnh viện trên. Ngoài ra, con gái ông đang nắm giữ 10,4 triệu cổ phần, tương đương với 21,39% vốn điều lệ.
Theo báo cáo tài chính năm 2018, giá trị số lượng cổ phiếu ông Trầm Bê đang nắm giữ tại Triều An tương đương 23,7 tỉ đồng. Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, đại gia Trầm Bê đã nhận được cả tỉ đồng cổ tức được chia từ BV Triều An.
Tài sản hợp pháp vẫn được thụ hưởng
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, một người bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc bị TAND có thẩm quyền tuyên phạt tù thì họ chỉ bị mất một số quyền về nhân thân trong một thời hạn nhất định hoặc bị tước vĩnh viễn (nếu bị tuyên án tử hình) nhưng không đồng nghĩa với việc họ bị mất quyền về tài sản. Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp đều bảo hộ quyền tài sản hợp pháp của người dân.
“Việc họ được chia cổ tức đối với công ty cổ phần hoặc chia lợi nhuận (công ty TNHH) là thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Hiện nay Luật Doanh nghiệp không có quy định nào tước quyền được nhận lợi nhuận hay cổ tức đối với phần vốn góp hoặc cổ phần của người bị khởi tố, bị bắt hoặc bị kết án nếu tài sản góp vào doanh nghiệp hoặc tài sản mua cổ phần được xác định không phải do phạm tội mà có. Do vậy, việc họ nhận được lợi nhuận, cổ tức là phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp. Tất nhiên việc chia lợi nhuận, cổ tức phải tuân thủ quy định Luật Doanh nghiệp” - luật sư Đức nói.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Xoa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết nếu như bị tạm giam hay chấp hành hình phạt tù thì các đại gia này bị tước đi quyền tự do đi lại và một số quyền khác nhưng quyền tài sản hợp pháp vẫn được thụ hưởng.
Khi bản án hình sự tuyên có phần trục lợi từ hành vi phạm tội phải bị tịch thu hay phải thực hiện bồi thường dân sự… thì quyền nhận cổ tức hay quyền sở hữu cổ phiếu của các vị đại gia mới bị hạn chế để đảm bảo thực thi theo quyết định của bản án. Bên cạnh đó, trừ trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật tuyên tịch thu tài sản, kê biên tài sản… lúc đó quyền về tài sản của đại gia đó mới bị hạn chế hoặc bị mất.
“Nhìn chung, theo Luật Doanh nghiệp, quyền tài sản hợp pháp của những người bị tạm giam, bắt giữ hay chấp hành hình phạt tù được pháp luật bảo hộ. Họ chỉ bị hạn chế quyền quản lý doanh nghiệp” - luật sư Xoa nói.
Có thể ủy quyền nhận cổ tức, đầu tư… Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhấn mạnh khi một người bị khởi tố và bị bắt giam hoặc bị kết án tù và chấp hành hình phạt tù, họ không thể tự mình trực tiếp thực hiện việc nhận lợi nhuận hoặc cổ tức. Do vậy, họ có quyền thực hiện quyền này thông qua chế định ủy quyền cho người thân hoặc bất kỳ ai mà họ tin tưởng. Việc ủy quyền này được lập dưới hình thức giấy, hợp đồng ủy quyền có công chứng tại trại tạm giam, trại cải tạo. Do những tài sản này của họ được xác định hợp pháp nên cổ tức, a nhuận có được từ những tài sản này cũng được xác định là hợp pháp. “Tài sản hợp pháp thì có toàn quyền sử dụng vào những mục đích hợp pháp, bao gồm cả việc đầu tư vào những hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định pháp luật, không ai được quyền hạn chế. Họ chỉ bị hạn chế khi tài sản của họ bị cơ quan có thẩm quyền xử lý để đảm bảo trách nhiệm dân sự theo bản án, quyết định của tòa án hoặc các quyết định của cơ quan thi hành án” - luật sư Đức nói. |