Sáng nay, 6-10, bên lề cuộc họp báo giới thiệu Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai mà Việt Nam đăng cai tổ chức mấy ngày tới, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT, ông Phạm Đức Luận, đã trả lời PLO về quan điểm của cơ quan này trước sự việc Hải Phòng làm đê, xây cống khi chưa được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên.
Hồ sơ đê, cống có nhiều khiếm khuyết về kỹ thuật
Theo ông Luận, vấn đề ở đây không chỉ là vấn đề thủ tục hành chính, mà còn cả những khiếm khuyết về kỹ thuật nằm trong hồ sơ mà Hải Phòng gửi Cục.
Đoạn đê Km23-Km24 và cống Tân Hoa qua khu dân cư Bến Bính thuộc tuyến đê tả Cấm là hạng mục công trình trong Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Bắc sông Cấm, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.
Để được thi công, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Phát triển đô thị và Đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hải Phòng đã có công văn đề nghị cấp phép đào cắt đê để thi công. Tháng 10-2022, UBND Hải Phòng có công văn đề nghị Bộ NN&PTNT đề nghị thỏa thuận để cấp phép thi công với vị trí chính xác đoạn từ Km23+750 đến Km23+850 và cống Tân Hoa.
Ông Luận cho biết, thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT về lĩnh vực đê điều, Cục đã nghiên cứu hồ sơ mà Hải Phòng nộp, qua đó nhận thấy nhiều vấn đề kỹ thuật cũng như tài liệu liên quan cần củng cố, chỉnh sửa.
Cụ thể, trong công văn gửi Hải Phòng tháng 12-2022, Cục đề nghị:
Đối với đoạn đê từ Km23+750 đến Km23+850, yêu cầu bổ sung tài liệu khảo sát địa hình, địa chất; bản vẽ mặt bằng; kiểm tra, rà soát bổ sung các tính toán ổn định thấm, trượt, lún thân, nghiên cứu bổ sung cử thép chống thấm tại đáy tường chắn thân đê...
Đối với cống Tân Hoa, hồ sơ Hải Phòng gửi lên chưa có tài liệu khảo sát địa chất và các tính toán xác định quy mô, tính toán thuỷ lực, thấm, ổn định, kết cấu cống. Cục đề nghị Hải Phòng kiểm tra, bổ sung hồ sơ và lưu ý chỉnh sửa, bổ sung 9 nội dung về mặt kỹ thuật như: Điều chỉnh kéo dài thân cống, hoàn chỉnh mặt cắt đê thiết kế bảo đảm tuyến đê thông suốt, đáp ứng yêu cầu cho công tác hộ đê, phòng chống lụt bão; điều chỉnh, phân chia khớp nối giữa các đoạn cống phù hợp, hạn chế bố trí khớp nối cống trong thân đê, bổ sung khớp nối đồng giữa các đoạn cống.
Cùng với đó, bổ sung đắp đất sét luyện dày 1m bằng thủ công xung quanh mang cống và trên trần cống; bổ sung cử thép chống thấm nền cống; bổ sung nhà tháp cống và điều chỉnh nâng cao sàn công tác của dàn van đóng mở cống; bổ sung thuỷ chí, phai dự phòng, dàn nâng, hạ phai thượng, hạ lưu cống...
Chưa được cơ quan quản lý chấp thuận đã thi công
Đến tháng 4-2023, Cục nhận được văn bản của Hải Phòng kèm theo là các tài liệu, tờ trình của Sở NN&PTNT Hải Phòng cùng hồ sơ thiết kế bổ sung.
Tại thời điểm ấy, Cục chưa thể đánh giá hồ sơ mới này đã đáp ứng điều kiện kỹ thuật chưa. Nhưng "qua nắm bắt tình hình thì thấy chủ đầu tư dưới Hải Phòng đã tiến hành xây cống rồi. Đây là hành vi vi phạm Luật Đê điều. Chính vì vậy, hồi tháng 5 vừa qua, Cục đã gửi công văn yêu cầu Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm hành vi vi phạm" – ông Luận nói.
Sau công văn có tính chất tuýt còi của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, cuối tháng 6-2023, UBND Hải Phòng đã có văn bản báo cáo Bộ NN&PTNT. Theo đó, địa phương khẳng định các hạng mục công trình thuộc cống Tân Hoa đã thi công đều theo các thông số, chỉ tiêu kỹ thuật như góp ý, yêu cầu bổ sung của Cục. Phần hạng mục này tương đối độc lập, nên đơn vị thi công chưa thực hiện đào, cắt đê hiện hữu...
Vì vậy, Hải Phòng đề nghị Bộ NN&PTNN xem xét, chấp thuận đề nghị hồi tháng 4 cùng các hồ sơ chỉnh sửa, bổ sung kèm theo của thành phố, để UBND Hải Phòng cấp phép thi công theo quy định pháp luật.
Vì sao Cục Quản lý đê điều chưa chấp thuận đề nghị của Hải Phòng?
Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết đê cùng các hạng mục liên quan như cống, tràn... có vai trò quan trọng trong phòng chống lũ, tiêu thoát úng. Vì vậy pháp luật hiện hành quy định rất chặt chẽ quy trình, thủ tục trước khi tiến hành thi công.
Về kỹ thuật, các hoạt động đào, cắt đê, cần phải có phương án thiết kế, thi công khoa học, trong thời gian cụ thể để đảm bảo an toàn mùa mưa lũ. Cống, đập là công trình rất quan trọng vì thực tế nguy cơ mất an toàn đê điều xuất hiện nhiều ở các hạng mục này. Do đó, pháp luật giao cho Cục Quản lý đê điều chịu trách nhiệm quản lý về mặt kỹ thuật với các công trình đê, cống...
Theo ông Luận, trong trao đổi mới nhất, Hải Phòng có giải thích là việc thi công cống Tân Hoa tuân thủ đầy đủ các góp ý của Cục. Tuy nhiên, Cục không thể an tâm để chấp thuận theo quy định. Còn với phần đê, Cục sẽ kiểm tra thực tế. Nếu Hải Phòng chưa thực hiện thi công thì Cục sẽ xem xét về phương án thoả thuận cấp phép thi công.
"Cục đã đề nghị UBND Hải Phòng xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với phần cống Tân Hoa. Còn việc có xử lý vi phạm hay không thuộc về thẩm quyền của địa phương.
Hải Phòng và các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố mất an toàn đê điều trong mùa mưa lũ năm 2023 và các năm tiếp theo" – ông Luận nhấn mạnh.