Hải Phòng bị tuýt còi vì đào, cắt đê, làm cống, vi phạm Luật Đê điều

(PLO)- Hồ sơ chưa đảm bảo kỹ thuật, chưa được Bộ NN&PTNT chấp thuận thi công nhưng BQL dự án của Hải Phòng đã đào, cắt đê làm cống, vi phạm Luật Đê điều.

Đê tả sông Cấm, đoạn Km23-Km25 là công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Bắc sông Cấm, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, được UBND Hải Phòng phê duyệt tháng 9-2016, thời gian thực hiện từ năm 2016-2023.

Công trình này gồm các hạng mục: Nâng cấp đê hiện có kết hợp làm đường giao thông từ Km23-Km24; xây tuyến đê mới trên bãi sông thay thế đê hiện có từ Km24-Km25 và xây dựng 2 cống qua đê.

de-ta-cam.jpg
Khu vực đê thuộc Dự án KĐT Bắc sông Cấm. Ảnh: NGỌC SƠN

Với yêu cầu nghiêm ngặt, Luật Đê điều quy định rất chặt chẽ quy trình, thủ tục quản lý nhà nước. Theo đó, các hoạt động đào, cắt đê phải được Bộ NN&PTNT chấp thuận sau đó UBND cấp tỉnh mới cấp phép thi công.

Theo tài liệu PLO nắm được, chủ đầu tư dự án này là Ban Quản lý dự án Phát triển đô thị và Đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hải Phòng đã có công văn đề nghị cấp phép đào cắt đê để thi công đoạn Km23-Km24 và cống Tân Hoa. Tháng 10-2022, UBND Hải Phòng có công văn đề nghị Bộ NN&PTNT chấp thuận phương án thi công.

Đến tháng 12-2022, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT đã phản hồi, với các yêu cầu cụ thể về chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ.

Đến tháng 4-2023, Hải Phòng gửi hồ sơ đã chỉnh sửa, bổ sung, tiếp tục đề nghị đề nghị Bộ NN&PTNT chấp thuận phương án đào, cắt đê. Tuy nhiên dù Bộ NN&PTNT chưa có văn bản chấp thuận, nhưng chủ đầu tư đã cho thi công.

Cụ thể, đoạn đê Km23-Km24 và cống Tân Hoa tại vị trí Km23+700 qua khu dân cư Bến Bính, tháng 8-2022 chủ đầu tư được bàn giao mặt bằng, và đã triển khai thi công rầm rộ.

Phát hiện sự việc, tháng 5-2023, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi thẳng UBND Hải Phòng. Văn bản có tính chất tuýt còi này nêu rõ:

"Qua công tác quản lý theo dõi, hiện nay chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tiến hành thi công xây dựng cống Tân Hoa và đoạn đê tả Cấm trong khi chưa được Bộ NN&PTNT có ý kiến chấp thuận bằng văn bản để UBND thành phố Hải Phòng cấp phép theo quy định của pháp luật về đê điều. Đây là hành vi vi phạm Luật Đê điều".

Cơ quan quản lý của Chính phủ đề nghị Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, và nhấn mạnh: "UBND Hải Phòng và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố mất an toàn đê điều trong mùa mưa lũ năm 2023 và các năm tiếp theo".

Trả lời PLO sáng nay, 4-10, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết hồ sơ xin chấp thuận mà UBND Hải Phòng gửi lên có một số vấn đề về mặt kỹ thuật và trong trách nhiệm, thẩm quyền của mình, Cục đã góp ý.

"Về sự việc này, họ thi công rồi mới đề nghị Bộ chấp thuận thì làm sao chúng tôi ý kiến được nữa. Là cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã góp ý về mặt kỹ thuật, nhưng họ không tuân thủ, sau này mà rò rỉ nước, hoặc kỹ thuật chống lũ không đảm bảo an toàn thì họ chịu. Chúng tôi đã đề nghị xử lý vi phạm và Hải Phòng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật" – ông Luận nói.

Không xử phạt vi phạm hành chính về đê điều?

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được đến thời điểm này, Sở NN&PTNT Hải Phòng đã đề xuất UBND Hải Phòng không xử lý vi phạm hành chính với lý do nếu xử phạt, dự án sẽ phải đình chỉ xây dựng.

Thay vào đó, ở vai trò cơ quan quản lý đê điều, phòng chống thiên tai, Sở đề nghị xử lý dưới hình thức: Ban QLDA Phát triển đô thị và Đầu tư xây dựng công trình dân dụng giải trình, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện và tự đề xuất xử lý những tồn tại, khuyết điểm.

Đề nghị này đã được lãnh đạo Hải Phòng đồng ý, và giao Sở NN&PTNN hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chủ đầu tư dự án này thực hiện các hoạt động xây dựng, cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, phòng chống lụt bão.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm