Sáng 26-9, tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với các địa phương: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương về tình hình sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu; công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng, chống tội phạm.
Mức tăng trưởng đạt nhóm đầu cả nước
Từ đầu năm đến nay, cả ba địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương đều duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất với 9,94%, Hải Dương đạt tốc độ tăng trưởng trên 7%.
Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Nếu như Quảng Ninh thu hút được gần một tỉ USD vốn FDI, ở thời điểm này, Hải Phòng đang thu hút được gần 3,5 tỉ USD, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2022.
Lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 26.460 tỉ đồng, tăng 34,8% cùng kỳ. Con số này của Hải Phòng là trên 6,2 triệu lượt, tăng 13,26%, đạt 85,14% kế hoạch năm.
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của cả ba địa phương cũng có những kết quả tích cực nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng và đầu tư trang thiết bị hiện đại để soi chiếu hàng hóa ra, vào cảng, quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu.
Về xuất nhập khẩu, Hải Phòng không có sự thay đổi nhiều, Hải Dương ghi nhận mức giảm 14,2%, còn Quảng Ninh tăng 14,15% so với cùng kỳ. Về giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Ninh đạt 48% kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 50% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Hải Phòng đạt 76,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, 47% kế hoạch HĐND TP giao. Con số này ở Hải Dương còn thấp, 1/9, Hải Dương đã giải ngân được 1.924 tỷ đồng, đạt 24,5% kế hoạch vốn được HĐND tỉnh giao…
Tại cuộc làm việc, các địa phương kiến kiến nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chỉ tiêu sử dụng đất, đấu giá đất, lấn biển, mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về xử phạt hành chính, nhà ở xã hội, đầu tư cho các công trình cấp bách để cung cấp điện cho các dự án mới, mở rộng sân bay Cát Bi…
Tăng cường liên kết vùng
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của cả ba địa phương trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, qua đó đạt được mức tăng trưởng thuộc nhóm đầu cả nước.
Phó Thủ tướng biểu dương cả ba địa phương đã rất chú trọng đến việc nâng cao tính kết nối giữa ba địa phương để thúc đẩy nhau cùng phát triển, nhất là về hạ tầng giao thông; và những đóng góp không chỉ về nguồn lực mà còn cả tinh thần đối với sự phát triển chung của cả nước.
Về đầu tư công, Phó Thủ tướng đánh giá, hiện Hải Phòng là địa phương làm công tác giải ngân vốn đầu tư rất tốt. Phó thủ tướng cũng lưu ý hai địa phương Quảng Ninh và Hải Dương cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch được giao năm 2023.
Về những kiến nghị của ba địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Chính phủ sẽ cố gắng xử lý theo thứ tự ưu tiên, cố gắng hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn với cơ chế phân cấp mạnh cho cơ sở.
Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục bám sát mục tiêu, dựa trên 3 nguyên tắc phân cấp mạnh cho cơ sở, điều phối các hoạt động phối hợp và nghĩ đến nguồn lực ngoài ngân sách nhiều hơn; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài FDI và tăng tốc trong chuyển đổi số.
Trong công tác quy hoạch, đến thời điểm này mới có Quảng Ninh hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng đề nghị Hải Phòng và Hải Dương đẩy nhanh quy hoạch, đồng thời bảo đảm chất lượng để sau khi ban hành không bó buộc, cản trở việc thực hiện các dự án đầu tư.
‘Tôi mong muốn lãnh đạo ba địa phương tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng. Không phải vô cớ mà tự nhiên Hải Phòng bỏ tiền xây cầu nối Hải Dương; rất nhiều lao động từ Hải Dương đi qua làm việc cho các khu công nghiệp của Hải Phòng, trở thành thế mạnh về nguồn lực lao động để thu hút các dự án lớn’ – Phó Thủ tướng nói.