Vì sao không nên tách đôi Luật Giao thông đường bộ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên số báo ngày 13-9, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin việc Bộ Công an và Bộ GTVT vừa thống nhất báo cáo Chính phủ tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 ra làm hai luật là Luật Đường bộ và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB (luật mới). Trên cơ sở này, Bộ GTVT vừa hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Luật Đường bộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc tách Luật GTĐB và giao cho công an cấp bằng lái xe là bất hợp lý.

Những phát biểu “dậy sóng” trên diễn đàn Quốc hội về hai dự án luật tại kỳ họp thứ 10

Vì sao không nên tách đôi Luật Giao thông đường bộ? ảnh 1
 

Tôi là người cuối cùng phát biểu về Luật GTĐB hôm nay, tôi cảm thấy đây là một kỷ niệm lịch sử. Lần đầu tiên chỉ có một ĐB ủng hộ Chính phủ, còn tất cả ĐB đều phản ánh một tâm trạng hết sức bức xúc... Tôi tin rằng phải đến 99% nhân dân sẽ ủng hộ việc không tách luật… ĐB TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH (Hà Nội)

Vì sao không nên tách đôi Luật Giao thông đường bộ? ảnh 2

Việc tách Luật GTĐB giống như một con lợn bốn chân bị xẻ thành hai con lợn hai chân, nghĩa là chữa lợn lành thành lợn què. Tôi cũng không đồng tình việc chuyển cho Bộ Công an sát hạch, cấp giấy phép lái xe vì lý do giấy phép lái xe giả còn nhiều. Nếu với lý do này, giờ có tiền giả thì việc in tiền cũng phải chuyển cho Bộ Công an làm. ĐB ĐỖ VĂN SINHỦy ban Kinh tế QH

 

Thống nhất tiếp tục hoàn thiện dự thảo

Trước đó, ngày 23-8, cổng thông tin điện tử Bộ Công an đưa tin Bộ Công an đã có buổi làm việc với Bộ GTVT, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các ủy ban của Quốc hội (QH) để thảo luận về việc hoàn thiện hai dự án Luật GTĐB sửa đổi và dự án Luật Bảo đảm TTAT GTĐB để sớm cho ý kiến, thông qua. Đây là hai dự án luật đã được QH khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 hồi tháng 11-2020.

Tại buổi làm việc, các đại biểu (ĐB) thẳng thắn đóng góp ý kiến, tập trung thảo luận làm rõ một số ý kiến, bày tỏ đồng thuận cao giữa các bộ, ủy ban và cơ quan có liên quan. Qua đó nhấn mạnh việc Chính phủ trình QH về hai dự án luật trên là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự thống nhất, quyết tâm trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật. Đồng thời đáp ứng tình hình thực tiễn nhằm xây dựng, hoàn thiện, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế…

Kết luận buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho hay các ĐB đã thống nhất tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình QH hai dự án luật trên với phạm vi điều chỉnh và các chính sách đã thống nhất tại Nghị quyết 123/NQ-CP ngày 31-8-2020; tiếp thu nghiêm túc và giải trình đầy đủ ý kiến của ĐBQH, các ủy ban của QH và các ban của Đảng.

Bộ Công an và Bộ GTVT cũng thống nhất báo cáo Chính phủ, Thủ tướng đề xuất QH bổ sung hai dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh năm 2022 để QH cho ý kiến trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tách Luật GTĐB và việc giao cho công an cấp bằng lái xe là bất hợp lý. Ảnh: VIẾT LONG

Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu bộ phận thường trực giúp việc ban soạn thảo và các cơ quan tham mưu thuộc Bộ Công an tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, khẩn trương tiến hành các trình tự thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời đề nghị Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để cùng chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ hai dự án luật...

Trên cơ sở này, Bộ GTVT vừa hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Luật GTĐB sửa đổi. So với lần trình ra QH hồi tháng 10-2020, dự thảo lần này có điểm mới nhất đó là đổi tên Luật GTĐB sửa đổi thành Luật Đường bộ. Tuy nhiên, dự án luật vẫn giữ nguyên sáu chương, 102 điều và phạm vi điều chỉnh.

“Tôi vẫn còn là đại biểu Quốc hội!”

Bàn về quyết định trên của hai bộ, ông Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV, các ĐBQH đã cho ý kiến về Luật GTĐB sửa đổi và dự án Luật Bảo đảm TTAT GTĐB. Tuy nhiên, hai dự án luật nhận được nhiều ý kiến trái chiều nên Ủy ban Thường vụ QH đã gửi phiếu xin ý kiến về nội dung này. Kết quả, đa số ĐBQH không tán thành việc tách Luật GTĐB năm 2008 và giao Bộ Công an đảm nhận việc cấp bằng lái xe… Trên cơ sở này, ĐBQH đã biểu quyết dừng thông qua hai dự án luật và giao Chính phủ tiếp thu ý kiến các ĐB, nghiên cứu để trình lại QH khóa XV xem xét.

Tiếp câu chuyện này ở kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV, ông Phạm Văn Hòa cho rằng các ý kiến ĐB đã phân tích rất rõ ràng, xác đáng, thực tế và thực tiễn về lý do không nên tách Luật GTĐB. Theo đó, Luật GTĐB nên sửa theo hướng giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của luật, xem xét bổ sung chương, điều vào phần bảo đảm TTAT GTĐB theo hướng nâng cấp Luật GTĐB hiện hành lên thành một bộ luật hoàn chỉnh…

“Bởi tách Luật GTĐB, liệu sau này chúng ta có tiếp tục tách Luật Đường sắt, Luật Hàng không, Luật Hàng hải… thành hai luật. Một luật quy định về kết cấu hạ tầng và một luật quy định về bảo đảm TTAT giao thông hàng không, đường sắt… Vấn đề này các ĐB có đặt ra ở nghị trường nhưng cơ quan soạn thảo không ai trả lời được…” - ông Hòa cho hay.

Quay lại việc Bộ GTVT đang trình dự thảo Luật GTĐB sửa đổi vẫn giữ quan điểm tách luật, ông Hòa cho biết chưa được tiếp cận dự thảo mới nhưng nếu chỉ thay đổi tên từ Luật GTĐB thành Luật Đường bộ và giữ nguyên phạm vi điều chỉnh thì rất khó hiểu.

“Việc này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi hay các bộ cho rằng QH khóa XV nhiều ĐB mới chưa nắm được vấn đề nên dễ thông qua? Bởi những người phản đối việc tách Luật GTĐB phát biểu trước QH khóa XIV đa phần nghỉ hưu hoặc không tái cử, số tái cử còn lại rất ít. Đây là cơ hội chăng?” - ông Hòa đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, theo ĐB tỉnh Đồng Tháp, hiện nay Bộ GTVT và Bộ Công an mới lấy ý kiến để trình lên Chính phủ hai dự án luật nên chúng ta vẫn trông chờ kết luận của Chính phủ. “Quan điểm của tôi là không tách Luật GTĐB. Tôi vẫn còn đảm nhiệm vai trò là ĐBQH khóa XV và sẽ phát biểu về vấn đề này nếu các dự án luật không có gì thay đổi…” - ông Hòa khẳng định.

Công an nên tập trung xử phạt giao thông

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết hiện nay ngành giao thông có năm lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy, hàng hải), mỗi một lĩnh vực có một luật riêng. Các luật này đều được kết cấu theo hướng điều chỉnh cho toàn bộ lĩnh vực đó, nhằm bảo đảm tính liên thông, thống nhất hệ thống pháp luật. “Vì vậy, tôi cho rằng việc tách Luật GTĐB 2008 là không phù hợp với thông lệ chung và nguyên tắc thiết kế hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay…” - ông Quyền nói.

Cũng theo chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nơi đào tạo nguồn nhân lực phải là người sử dụng nhân lực đó. Chẳng hạn như ngành y tế thì đào tạo nguồn nhân lực của y tế, tương tự ngành ngân hàng đào tạo nhân lực cho ngân hàng… Có như vậy họ mới biết được nội dung nào cần được đào tạo.

Từ đó, có thể thấy ngành công an chỉ quản lý một phạm vi nhỏ đó là hoạt động giao thông trên đường, nếu tham gia vào việc đào tạo nhân lực, tức cấp bằng lái xe thì rất bất hợp lý. Bởi hoạt động vận tải có rất nhiều nội dung theo yêu cầu hoạt động kinh doanh vận tải, không chỉ quy tắc giao thông…

“Tôi nghĩ công an chỉ nên làm tốt công việc của mình là xử phạt cho nghiêm, cho đúng, thống kê theo dõi một cách có hệ thống những người vi phạm giao thông nhiều lần, từ đó tăng mức phạt lên nhằm răn đe... Còn việc đào tạo nhân lực để cho ngành giao thông nhằm tránh chồng chéo…” - ông Quyền góp ý.

Còn muốn quản lý tốt người điều khiển xe, theo ông Quyền, với dữ liệu sẵn có của ngành công an và giao thông hoàn toàn có thể liên thông để làm tốt công tác này. “Thực tế việc quản lý người lái xe rất đơn giản, bởi công nghệ có, văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đã bao quát hết rồi, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào cho phù hợp…” - ông Quyền khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm