Vì sao lại phân hạng bằng lái xe thành 15 loại?

(PLO)-  Theo Bộ Công an, việc phân hạng bằng lái xe không ảnh hưởng đến người dân nhưng sẽ có tác động nhất định đến các cơ sở đào tạo lái xe.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ bảy diễn ra vào tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua tám dự luật, trong đó có Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là dự luật được nhiều người quan tâm, đặc biệt là quy định về phân hạng bằng lái xe của cơ quan soạn thảo.

Tăng số hạng bằng lái xe

Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định giấy phép lái xe (GPLX) được cấp theo 13 hạng như sau: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE. Trong đó, hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg. Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển ô tô chở người đến chín chỗ; ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới
3.500 kg. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển ô tô chở người đến chín chỗ; ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.

Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ quy định GPLX được phân thành 15 hạng gồm: A1, A, B1 (được cấp cho xe máy); B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE (cấp cho ô tô).

Trong đó, việc phân hạng bằng lái ô tô đã bỏ hạng A4 và không quy định hạng GPLX cho người điều khiển máy kéo vì căn cứ vào kiểu loại, công dụng của phương tiện, loại phương tiện này sẽ được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng. Đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B do căn cứ để phân hạng GPLX là từ công suất, kiểu loại, động cơ và số chỗ.

Đối với phân hạng bằng lái xe máy, giữ nguyên hạng A1. Hạng A2 (cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1) và hạng A3 (cấp cho người lái mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1) được đổi lần lượt là hạng A và B1.

Bộ Công an khẳng định việc cấp GPLX theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những GPLX thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại. “Để tránh tác động xã hội tại điều khoản chuyển tiếp sẽ quy định đối với GPLX cấp trước khi luật này có hiệu lực thi hành sẽ được tiếp tục sử dụng theo thời hạn và giá trị ghi trên GPLX. Việc chuyển đổi chỉ thực hiện đối với sát hạch, cấp mới và các trường hợp cấp đổi, cấp lại, chuyển đổi thực hiện theo hướng có lợi cho người dân, không gây mất an toàn giao thông…” - Bộ Công an cho hay.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, việc phân hạng GPLX sẽ tạo thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập tại các nước là thành viên của Công ước Viên 1968. Không mất chi phí đổi, học để được cấp GPLX, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, thương mại, hợp tác quốc tế, đồng thời phát triển đầu tư, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện trong nước và quốc tế do có sự đồng bộ về phân hạng phương tiện và GPLX.

Bằng lái xe.JPG
Theo dự luật mới sẽ không còn hạng bằng lái xe B1 và B2. Ảnh: MINH HOÀNG

Phải thay đổi hệ thống xe tập lái

Theo một trung tâm đào tạo lái xe, theo căn cứ cách xếp hạng trên của Bộ Công an, các cơ sở đào tạo lái xe phải đầu tư kinh phí để thay đổi hệ thống xe tập lái, xe sát hạch để phù hợp với bốn hạng xe mới.

Cụ thể hạng C1 cấp cho người lái ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500 kg đến 7.500 kg; Hạng D1 cấp cho người lái ô tô chở người trên tám chỗ đến 16 chỗ; hạng C1E cấp cho người lái các loại ô tô quy định cho GPLX hạng C1 kéo rơmoóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên
750 kg; hạng D1E cấp cho người lái các loại ô tô quy định cho GPLX hạng D1 kéo rơmoóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.

Thêm vào đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải cũng phải thay đổi việc quản lý và sử dụng người lái xe theo phân hạng mới. “Tôi rất mong cơ quan soạn thảo xem xét kỹ việc phân hạng để tránh trường hợp mỗi lần sửa luật lại phân lại hạng bằng lái gây khó khăn và tốn kém cho các cơ sở đào tạo lái xe” - vị này cho hay.

Trong báo cáo thẩm tra mới đây, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và Bộ Công an xây dựng quy định các hạng GPLX theo hướng kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ 2008, nghiên cứu bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ.

“Quy định này cũng không gây nhiều tác động khi thay đổi về chính sách, phù hợp với yêu cầu thực tiễn do quá trình phát triển của phương tiện, người điều khiển phương tiện, xuất hiện nhiều loại phương tiện mới…” - đại diện cơ quan thẩm tra cho hay.•

Quy định mới của bằng lái theo dự luật

Thời hạn của GPLX: GPLX máy các hạng A1, A, B1 không thời hạn; GPLX ô tô hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; GPLX các hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn năm năm kể từ ngày cấp.

Mỗi GPLX có 12 điểm, nếu bị trừ hết điểm sẽ phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức, nếu có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm