Ngày 6-1 (giờ địa phương), ba cơ quan tình báo chính của Mỹ gồm FBI, CIA và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) đã công bố báo cáo về hành động can thiệp của Nga vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ. Báo cáo dày 50 trang nhận định chính phủ Nga và Tổng thống Vladimir Putin rõ ràng có xu hướng ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Tổng thống Nga giữ vai trò chỉ đạo?
Báo cáo nêu: “Chúng tôi có thể khẳng định rằng Tổng thống Putin đã chỉ đạo chiến dịch tác động đến bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Mục đích của Nga là làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với tiến trình dân chủ, bôi nhọ bà Hillary Clinton và làm phương hại đến cơ hội được bầu của bà hoặc được trở thành tổng thống đáng tin cậy”.
Báo cáo không nêu chi tiết cuộc điều tra vì phần lớn các dẫn chiếu được xếp vào loại thông tin bí mật quốc phòng. Báo cáo cho biết Nga theo dõi các mục tiêu của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Báo cáo ghi nhận Nga đã tiến hành một chiến dịch toàn diện bao gồm hoạt động tình báo và đánh cắp thông tin. Nhiều cơ quan chính phủ, các phương tiện truyền thông nhà nước, các trung gian có nhận thù lao và các mạng xã hội cùng tham gia chiến dịch.
Chiến dịch bắt đầu từ cuối năm 2015 khi nhiều tài khoản trên mạng là kênh tuyên truyền của Nga phát thông tin ủng hộ ông Trump. Chiến dịch cũng bao gồm hoạt động phát tán dữ liệu bị đánh cắp và xâm nhập vào các ủy ban bầu cử ở cấp địa phương và cấp quốc gia của Mỹ.
Báo cáo mô tả Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga (GRU) dùng vỏ bọc tài khoản “Guccifer 2.0” và dùng trang “DCleaks.com” để công bố dữ liệu đánh cắp từ ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ.
GRU cũng đã chuyển dữ liệu cho báo chí Nga và WikiLeaks (người sáng lập Julian Assange bác bỏ cáo buộc này) vì tin rằng WikiLeaks không bao giờ công bố tài liệu giả mạo.
Báo cáo cảnh báo Moscow có thể tích lũy kinh nghiệm trong vụ can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ để tác động đến bầu cử ở các nước khác.
Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Tổng thống Putin ủng hộ ông Trump. Biếm họa của AREND VAN DAM (Hà Lan)
Putin công khai bày tỏ thích ông Trump
FBI và CIA tuyên bố rất tin tưởng kết luận của báo cáo nêu trên. NSA nhận xét thông tin trong báo cáo và các nguồn tin dẫn chiếu đều đáng tin cậy.
Báo cáo giải thích Tổng thống Putin có xu hướng ủng hộ ứng cử viên Donald Trump vì các quan điểm địa-chính trị và các phát biểu của ông Trump có nội dung cởi mở với Nga. Báo cáo cho rằng chính phủ Nga đã nhìn thấy qua ông Trump có thể tiếp cận với liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu.
Ngoài ra báo cáo cũng ghi nhận: “Putin có nhiều kinh nghiệm tích cực qua quá trình làm việc với các nhà lãnh đạo chính trị phương Tây vốn sẵn lòng làm việc với Nga vì lợi ích thương mại như cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi và cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder”.
Tối 6-1, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã lên án mọi can thiệp từ bên ngoài vào bầu cử Mỹ. Đồng thời lại khẳng định không khai thác báo cáo nêu trên của ba cơ quan tình báo nhằm mục đích bác bỏ chiến thắng của ông Donald Trump.
Trong khi đó, ông Trump luôn bác bỏ hoặc giảm thiểu vai trò can thiệp của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ.
Ngày 6-1 tại New York, ông Trump đã gặp Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia James Clapper, Giám đốc CIA John Brennan, Giám đốc NSA Mike Rogers và Giám đốc FBI James Comey.
Sau đó, ông tuyên bố thừa nhận tin tặc có đánh cắp thông tin trong thời gian bầu cử Mỹ. Dù vậy, ông khẳng định: “Hoàn toàn không có vụ tin tặc nào tác động đến kết quả bầu cử tổng thống”.
Ông nói bọn tin tặc cũng nhắm đến đảng Cộng hòa nhưng do đảng Cộng hòa phòng thủ tốt nên tin tặc bó tay.
Trước đó, trả lời báo New York Times, ông Trump đánh giá chuyện lên án Nga đánh cắp thông tin mạng chỉ là “trò săn lùng phù thủy chính trị”. Ông giải thích: “Trung Quốc đã đánh cắp danh tính 20 triệu nhân viên chính phủ sao không ai nói?”.
Báo New York Times đưa tin ngày 23-12-2016, các đại sứ Mỹ do Tổng thống Obama "bổ nhiệm chính trị" đã nhận được quyết định từ Tổng thống đắc cử Donald Trump đề nghị họ phải rời nhiệm sở trước ngày ông Trump nhậm chức (20-1) và ông Trump không chấp nhận bất cứ trường hợp ngoại lệ nào. Êkíp chuyển giao quyền lực của ông Trump nói với báo sáng kiến này chỉ nhằm bảo đảm các đại sứ cũng như các cố vấn chính trị ở Nhà Trắng rời nhiệm sở đúng lúc. Báo chí Mỹ nhận định đây là quyết định chưa từng thấy và ông Trump đã phá vỡ truyền thống. Đó là khi thay đổi tổng thống, các đại sứ Mỹ có thể ở lại quốc gia được bổ nhiệm thêm một ít thời gian nữa để bảo đảm công tác chuyển giao công việc không bị gián đoạn, hay chí ít cũng để cho các đại sứ lo cho con cái học hết năm học ở quốc gia được bổ nhiệm. Từ đó, nhiều khả năng ở các nước đồng minh quan trọng như Anh, Đức... sẽ không có đại sứ Mỹ trong vài tháng trong khi chờ Mỹ bổ nhiệm đại sứ mới. Theo luật định, ứng viên đại sứ mới phải được Thượng viện Mỹ thông qua. Đến giờ ông Trump chỉ mới đề cử hai đại sứ ở Israel (luật sư David Friedman) và ở Trung Quốc (Thống đốc Terry Branstad). |