Rong biển được coi là siêu thực phẩm
Trên tờ CNN, Giáo sư Mary Ellen Camire, Đại học Maine, chuyên gia về dinh dưỡng cho biết: “Rong biển là nguồn cung cấp chất xơ và khoáng chất tuyệt vời”. Còn Sarah Redmond, người sáng lập Công ty nuôi trồng thủy sản rong nho hữu cơ Springtide Seaweed, ở Gouldsboro, Maine (Hoa Kỳ) nói: “Rong biển là sự thay thế tuyệt vời cho các thực vật trồng dưới đất. Bởi nó cung cấp chất dinh dưỡng mà chúng ta khó tìm được ở các loài thực vật khác trên đất liền”, CNN dẫn lời.
Theo đó, rong biển chứa nhiều vitamin B, C, E, K, axit béo omega- 3, protein, axit amin, polyphenol và khoáng chất như sắt, canxi, i-ốt, cao gấp 10 lần so với thực phẩm trên cạn. Bên cạnh đó, thành phần lignans có trong rong biển có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các chứng bệnh ung thư, ngăn ngừa phát triển của các tế bào ung thư. Hàm lượng chất xơ có trong rong biển khá dồi dào giúp lợi khuẩn trong đường ruột làm cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học - thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đồng tình cho biết, rong biển là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe khi chứa nhiều hàm lượng chất xơ, chất oxy hóa, vitamin và protein….
Vị chuyên gia cũng chia sẻ thêm, ngoài sử dụng làm thức ăn, rong biển còn là nguyên liệu sử dụng trong các ngành dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, phân bón sinh học, chất kích thích sinh học, bao bì sinh học, nhiên liệu sinh học…
|
Rong biển được gọi là siêu thực phẩm nhờ vào hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh: Thế Quang |
Không nên ăn quá nhiều rong biển
Mặc dù rong biển có nhiều lợi ích song theo giáo sư Camire điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta ăn càng nhiều là càng tốt. “Một số loại rong tảo có hàm lượng i-ốt rất cao, điều này không tốt cho cơ thể nếu tiêu thụ quá nhiều”, vị này nói.
Thêm vào đó, rong biển có tính hàn, giải nhiệt, do đó nếu ăn quá nhiều có thể gây ra các tác dụng phụ như lạnh bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm. Bạn cũng không nên nấu rong biển quá lâu để tránh làm giảm hàm lượng dinh dưỡng có trong chúng.
Ngoài ra, nồng độ của một số chất dinh dưỡng trong rong biển có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác nhau. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người tiêu dùng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng rong biển nếu đang mắc bệnh tuyến giáp hoặc thuốc làm loãng máu.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển rong biển
Tại hội nghị về nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành hàng rong biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với tỉnh Phú Yên vừa tổ chức, Tổng Cục thủy sản cho biết hiện nay, Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên diện tích 900.000 ha.
Tuy nhiên, cả nước chỉ khai thác trồng được 10.150ha rong biển, chính vì thế Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển ngành này. Việc trồng rong biển không chỉ giải quyết sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho dân cư ven biển mà còn giảm ô nhiễm, giảm phát thải.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng cho biết mục tiêu đến năm 2025 sản lượng rong tảo biển cả nước đạt 180.000 tấn, đến nay 2030 đạt 500.000 tấn.