Vì sao TP.HCM cần làm lại dự án BT?

(PLO)- Các đại biểu, chuyên gia nêu thực tế cùng quan điểm và có những phân tích thấu đáo khi dự thảo nghị quyết mới cho phép TP.HCM thí điểm phục hồi cơ chế BT nhằm tạo sự đột phá để phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, trước khi Luật PPP được ban hành, TP.HCM đã triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất. Đó là các dự án xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ, dự án xây dựng đường D3 kết nối và cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Cạnh đó là các dự án hợp đồng BT thanh toán bằng tiền như các cầu Kênh Tẻ 2, Ông Lãnh, Văn Thánh 2, Nguyễn Tri Phương, dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2.

Hiện nay, TP có nhiều công trình giao thông cấp bách, cần triển khai thực hiện ngay nhưng chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện, gây tắc nghẽn giao thông, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Các dự án có thể kể đến như dự án xây dựng cầu Cần Giờ; cầu, đường Nguyễn Khoái; nâng cấp, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài liệt sĩ, xây dựng nút giao thông ngã tư Bốn xã…

Do vậy, cần huy động tối đa nguồn lực xã hội với các phương thức hợp tác đa dạng tham gia vào đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng của TP.

Thực tiễn triển khai các dự án BT của TP trước đây cho thấy các dự án được áp dụng hình thức hợp đồng BT có thể triển khai đầu tư ngay trong giai đoạn 2023-2025. Do đó, việc đề xuất thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo hình thức hợp đồng BT sẽ tăng cường khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi ngân sách TP còn chưa đáp ứng.

Do đó, việc đề xuất thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo hình thức hợp đồng BT sẽ tăng cường khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, góp phần tổ chức phát triển không gian đô thị hợp lý, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc thanh toán bằng tiền sẽ thuận lợi hơn thanh toán bằng quỹ đất, do việc thanh toán bằng quỹ đất chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đầu tư... và cần tiếp tục nghiên cứu có giải pháp hạn chế các tồn tại của mô hình thanh toán theo hợp đồng BT bằng đất trước đây.

Do đó, dự thảo nghị quyết trước mắt quy định thí điểm thanh toán hợp đồng BT bằng tiền. Để đảm bảo chặt chẽ, không gây thất thoát ngân sách nhà nước, dự thảo nghị quyết quy định việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi thiết kế xây dựng triển khai sau khi thiết kế cơ sở được phê duyệt và giao Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án BT.

Đại biểu Quốc hội TRẦN CHÍ CƯỜNG, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng

Giúp “siêu đô thị” TP.HCM giải quyết các vấn đề bức thiết

Với quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng vị trí đầu tàu đòi hỏi TP.HCM tăng trưởng cao nhưng cần bền vững.

Ông Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng

Ông Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng

Điển hình như việc thí điểm các cơ chế, chính sách trong quản lý đô thị với hướng phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho TP là điều kiện, cơ hội thực hiện tốt hơn chức năng quản lý đô thị, chính quyền đô thị.

Những vấn đề bức thiết qua thực tiễn của “siêu đô thị” TP cần có chính sách, cơ chế để giải quyết trong khi pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa phù hợp.

Cho TP thí điểm phục hồi cơ chế BT cũng là giải pháp kiểm nghiệm từ thực tiễn để chúng ta nhìn nhận, phân tích thêm vì sao trước đây lại không đưa loại hình này vào luật. Đã là đặc thù, cơ chế vượt trội và tạo sự đột phá để TP phát triển cho nên sẽ có những cái nằm ngoài luật.

Quan điểm của tôi là ủng hộ TP.HCM để TP vươn lên, vì vai trò, vị trí đặc biệt của TP với cả nước. LÊ PHI ghi

.......................

Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp:

Nếu không cho thanh toán BT thì rất khó khăn

Trong dự thảo nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm phát triển đô thị, định hướng giao thông, thực hiện các dự án BT… Tôi ủng hộ TP cơ chế này.

BT là các dự án rất lớn nếu không thực hiện thì TP.HCM sẽ ách tắc mãi. Chúng ta chưa làm đường dưới lòng đất, trên cao nhiều… nhưng tương lai phải tính tới nên cần xã hội hóa nhiều.

Người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng phải cùng với TP để thực hiện điều này. Nếu không cho thanh toán BT, BOT… thì rất khó khăn. Sự hợp tác thỏa thuận giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người dân chắc sẽ đạt hiệu quả cao.

Thời gian qua, các dự án BT, BOT dường như chưa hài hòa lợi ích nhưng nếu chúng ta làm tử tế, vì lợi ích chung thì tất cả sẽ thành công. ĐẠI THANH ghi

..........................

Ông TRƯƠNG MINH HUY VŨ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Mong muốn phục hồi phương thức BT

TP.HCM không đề xuất phương thức mới mà là đề xuất phục hồi phương thức BT, việc thanh toán bằng phương thức BT có thể thông qua hai kênh là thanh toán hợp đồng BT bằng đất và thanh toán bằng tiền ngân sách (trả chậm, trả dần).

Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Để phát triển hạ tầng giao thông và đô thị chúng ta có rất nhiều phương thức đầu tư, các phương thức này đều là thực tiễn ở các nước khác, như BT thì chính nó đã giúp thay đổi bộ mặt giao thông đô thị các nước cũng như nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam, trong đó có TP.HCM.

Hiện TP đang có nhiều dự án đã ký hợp đồng BT với nhà đầu tư còn vướng mắc như đường vành đai 2, chúng ta hay gọi là “vành khuyên” vì chưa khép kín được.

Chúng ta cũng mong muốn phục hồi phương thức BT để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho dự án đó, cũng như các dự án mới được tiếp tục thực hiện theo hình thức BT. KIÊN CƯỜNG ghi

..................

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:

BT sẽ góp phần xây dựng hạ tầng TP.HCM

Phương thức đầu tư dự án theo hình thức BT rất thích hợp để góp phần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, nông thôn… của TP.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Chúng tôi thấy rất cần thiết xây dựng phương thức BT mà nhà đầu tư được thanh toán bằng tiền ngân sách nhà nước.

Do vậy, chúng tôi tán thành nội dung cho phép TP thực hiện phương thức BT trong tờ trình của Bộ KH&ĐT tại dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. QUANG HUY ghi

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.