Sở Nội vụ vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM sau chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm về mô hình TTHC công tại tỉnh Quảng Ninh và TP Đà Nẵng đã nhận xét như trên.
Chưa chia sẻ, liên thông
Theo Sở Nội vụ, các TTHC ở hai địa phương trên đều xác định mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các trung tâm này được đầu tư, xây dựng với trang thiết bị hiện đại. Thực tế số phiếu khảo sát qua các năm (qua ứng dụng khảo sát điện tử) có chiều hướng tăng dần và tỉ lệ hài lòng đối với các thủ tục hành chính đa số đạt trên 90%.
Tuy vậy, “các TTHC như mô hình “một cửa điện tử” hơn là một TTHC với quy chế liên thông về cơ sở dữ liệu và giải quyết thủ tục hành chính. Việc liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính còn hạn chế, nhất là các lĩnh vực có tính chất phức tạp như lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng. Việc xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (về quy hoạch, đất đai, xây dựng, hạ tầng…) để chia sẻ nguồn dữ liệu, tạo thuận tiện trong việc liên kết, liên thông về cơ sở dữ liệu chưa thực hiện được” - Sở Nội vụ nhận xét.
Hiện nguồn ngân sách của TP.HCM đang gặp khó khăn, tỉ lệ điều tiết ngân sách còn 18% (giảm từ 5%). Trong khi đó, nếu xây dựng một TTHC quy mô sẽ cần vốn đầu tư lớn, khả năng không thể bố trí được. Ngoài ra, chi phí quản lý tòa nhà TTHC rất cao bởi đây là tòa nhà cao tầng, phải thuê công ty quản lý bên ngoài thực hiện với chi phí vận hành khá cao. Đơn cử, mỗi năm Đà Nẵng phải trả cho ban quản lý tòa nhà TTHC tại địa phương khoảng 10 tỉ đồng; chưa kể tiền điện, tiền nước hằng tháng là 800 triệu đồng. Dù vậy, theo Sở Nội vụ, số lượng hồ sơ giải quyết ở TTHC của Đà Nẵng chỉ bằng 1/10 so với TP.HCM.
Vì vậy, Sở Nội vụ cho rằng việc đầu tư xây dựng TTHC TP.HCM tập hợp các sở, ngành là rất khó khăn do tổng số hồ sơ hành chính các sở, ngành giải quyết rất lớn.
UBND TP.HCM vẫn sử dụng trụ sở này để làm việc, chưa tính đến việc xây TTHC. Ảnh: Internet
Một đầu mối nhận, trả kết quả cho dân
Qua so sánh một số yêu cầu, Sở Nội vụ nhận thấy quỹ đất cần để xây TTHC (định mức 8 m2/người) là rất lớn và đồng nghĩa kinh phí xây dựng cũng cao. Chưa kể việc tổ chức tại một điểm phải tính đến an ninh, phòng cháy chữa cháy; thu hút một lượng lớn khách đến còn có thể gây ra ách tắc giao thông.
Thông số | Quảng Ninh | Đà Nẵng | TP.HCM |
Dân số | 1,2 triệu người | Gần 1 triệu | |
Đến giao dịch | 300 lượt/ngày | 30.000 lượt/ngày | |
Số hồ sơ | 250 bộ/ngày | ||
Hồ sơ năm 2015 | 48.786 (bộ) | 148.352 (bộ) | 9.156.233 (bộ) |
Nơi nhận, trả kết quả | 1.000 m2 | 400 m2 | Cần 10.000 m2 |
Số công chức | 1.400 người | 6.000 người | |
Diện tích TTHC | 17 tầng, tổng 25.000 m2 | Cần hơn 48.000 m2 |
* Ở TP.HCM bình quân mỗi ngày nhận 250 hồ sơ lý lịch tư pháp, 1.000 hồ sơ ở phòng Đăng ký Kinh doanh của Sở KH&ĐT
Trong khi đó, Thủ tướng có công văn yêu cầu tạm dừng xây TTHC. Mặc khác, những năm qua TP.HCM đã có nhiều giải pháp tích cực trong cải cách hành chính như thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đăng ký hồ sơ trực tuyến, qua bưu điện; nhận kết quả giải quyết hồ sơ qua bưu điện…
“Bản chất của việc cải cách hành chính là tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Điều đó có nghĩa là người dân đến nộp hồ sơ cùng một lúc có thể được liên thông giải quyết các thủ tục khác nhau. Để phục vụ tốt nhất cho người dân, TP.HCM nên triển khai một cửa liên thông điện tử kèm dịch vụ công trực tuyến tại từng sở ngành, trong đó theo từng lĩnh vực đô thị, kinh tế, giáo dục… sẽ có một sở làm đầu mối tiếp nhận và trả kết quả” - Sở Nội vụ kiến nghị.
Cụ thể, Sở Nội vụ kiến nghị trước mắt thực hiện một cửa liên thông tại Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT theo hướng tập trung một nơi tiếp nhận và trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp đến thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng, thực hiện dự án đầu tư, cấp phép kinh doanh.
TP.HCM từng lên kế hoạch xây trung tâm hành chính TP.HCM nằm ở bốn trục đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi (quận 1). Ảnh: Google maps
Trước đó, TP.HCM đã chọn phương án xây dựng TTHC rộng 18.000 m2, được giới hạn bởi bốn tuyến đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi. Đây sẽ là nơi làm việc của tám cơ quan nhà nước với 90 phòng ban trực thuộc gồm khoảng 1.700 người, do một công ty của Nhật thiết kế. Các cơ quan sẽ được bố trí tại khu TTHC sau khi xây dựng xong là Văn phòng UBND TP.HCM, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM, Sở Nội vụ, Sở TT&TT, Sở Công Thương, Ban Đổi mới doanh nghiệp, Sở TN&MT và Sở GTVT. Tuy vậy, mới đây văn phòng UBND TP đã thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến là sẽ không xây TTHC tập trung để tiết kiệm ngân sách, quỹ đất và phù hợp với đặc thù của TP.HCM. Theo Sở Nội vụ, về lâu dài TP.HCM vẫn cần một khu hành chính tập trung song nó chỉ thực hiện khi có điều kiện. Ngoài ra, TTHC này theo từng nhóm, ngành và lĩnh vực như khối đô thị, kinh tế, tư pháp, y tế, giáo dục… chứ không nhất thiết phải gom toàn bộ về một nơi. |