Vì sao trận Aleppo lại quan trọng?

Các nhà phân tích quân sự đánh giá trận đánh ở Aleppo (TP lớn thứ hai của Syria) là trận quan trọng nhất sau khi nội chiến bùng nổ ở Syria vào đầu năm 2011.

Tình hình chiến trường hiện nay như sau: Quân đội chính phủ Syria kiểm soát khu vực phía tây Aleppo và quân nổi dậy kiểm soát khu vực phía đông.

Theo đài phát thanh RTL (Pháp), lực lượng chủ yếu trong quân nổi dậy là các tay súng Jaish al-Fatah (Đạo quân chinh phục).

Jaish al-Fatah gồm liên quân hàng chục nhóm quân nổi dậy và quân thánh chiến Hồi giáo được Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Mạnh nhất trong tổ chức này là nhóm thánh chiến Hồi giáo Jabhat Fateh al-Sham (tên mới của nhóm Mặt trận Al Nusra, chi nhánh Al Qaeda ở Syria) và quân nổi dậy Ahrar al-Sham (dòng Hồi giáo về nguồn Salafi).

Theo các chuyên gia quân sự, liên quân Jaish al-Fatah gồm từ 30.000 đến 40.000 quân, được huấn luyện tốt, trong đó có 10.000 quân cố thủ ở Aleppo. Trong số quân cố thủ có vài ngàn tay súng nước ngoài.

Bom đạn tàn phá TP Aleppo. Ảnh: AP

Jaish al-Fatah sử dụng xe tăng, xe tải chuyển quân, pháo binh (tịch thu của quân đội Syria), tên lửa chống tăng TOW do Mỹ sản xuất.

Năm ngoái, Jaish al-Fatah đã từng đánh bật quân đội chính phủ ra khỏi phần lớn tỉnh Idlib (cách Aleppo 54 km).

Chuyên gia Charles Lister ghi nhận trong chiến sự hiện nay ở Aleppo, lần đầu tiên liên quân Jaish al-Fatah nhận được vũ khí do Mỹ sản xuất vốn trước đây chỉ dành để đánh IS.

Thật ra vũ khí hiệu quả nhất của liên quân là xe gài bom và đánh bom tự sát.

Về phía quân đội Syria, ngoài quân đội chính phủ còn có vệ binh cộng hòa, lực lượng đặc nhiệm Syria, lực lượng đặc nhiệm Al-Radwan của Hezbollah (Lebanon) và các tay súng đến từ Iran và Iraq.

Theo trang web Al-Masdar News (ủng hộ chính phủ Syria), quân đội Syria tại Aleppo sử dụng tối thiểu 100 xe tăng, 400 phương tiện chuyển quân và 30.000-40.000 quân. Dù vậy, trong lực lượng này có cả tân binh.

Quân đội chính phủ Syria có hỏa lực mạnh với xe tăng và pháo binh, đặc biệt có không quân vốn là thứ vũ khí mà quân nổi dậy không có, chưa kể hỏa lực yểm trợ từ không quân Nga.

Trận đánh Aleppo mang ý nghĩa chiến lược quan trọng nhất trong cuộc chiến Syria đối với cả hai bên.

Các nhà phân tích xem Aleppo ở Syria như Benghazi ở Libya, nơi nhà lãnh đạo Gaddafi bị bắt và bị giết.

Quân nổi dậy đánh giá nếu thắng trận ở Aleppo sẽ gây tiếng vang lớn, chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad có nguy cơ sụp đổ. Bằng như thua trận, khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở miền Bắc Syria sẽ bị thu hẹp.

Đối với quân đội chính phủ Syria, tái chiếm Aleppo là chặng đầu tiên tiến tới bao vây quân nổi dậy ở tỉnh Idlib. Đây là cuộc biểu dương sức mạnh để giải phóng toàn Syria.

Ngoài ra, với chiến thắng ở Aleppo, chính phủ Syria cũng sẽ chiếm thế thượng phong trong đàm phán quốc tế.

Chuyên gia Yazid Sayegh ở Trung tâm Carnegie về Trung Đông nhận định trận đánh Aleppo sẽ mang tính chất khốc liệt, tuy nhiên đây sẽ là cuộc chiến tiêu hao vì trận đánh có thể kéo dài.

Nguyên nhân do quân đội Syria đang thiếu quân. Một bộ phận quân phòng thủ ở miền Nam sẽ được triển khai để chiếm trục đường Castello là trục tiếp vận chính của quân nổi dậy trong Aleppo.

Quân nổi dậy cũng khó đánh thắng ngay vì thiếu quân như quân đội chính phủ, ngoài ra còn vì hỏa lực hạn chế và khu vực do quân đội kiểm soát đông dân hơn khu vực do quân nổi dậy kiểm soát.

Quân đội Nga thông báo từ ngày 11-8, mỗi ngày quân đội Nga sẽ ngừng mọi hoạt động quân sự, không kích và bắn pháo trong thời gian ba tiếng (từ 10 giờ sáng đến 13 giờ chiều) ở Aleppo để tạo điều kiện cho các đoàn xe chở hàng cứu trợ nhân đạo đi theo hành lang nhân đạo vào Aleppo.

__________________________________

Dù quân nổi dậy không thể nào chiếm toàn bộ TP, sự kiện phá vỡ vòng vây ở Aleppo đã gửi đi thông điệp quan trọng về tinh thần chiến đấu không mỏi mệt của quân nổi dậy.

Chuyên gia CHARLES LISTER

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới